Làm nhái Thương Hiệu, câu chuyện ngày càng phức tạp

20/03/2017 - 1454 lượt xem

Trong bối cảnh ra đời và lớn mạnh của hàng loạt các thương hiệu lớn, nhiều tổ chức, cá nhân luôn tìm cách “ăn theo”. Câu chuyện phản đối thành công nhãn hiệu HYM của Sanyang Industry Co., Ltd – Chủ sở hữu nhãn hiệu SYM là một minh chứng điển hình cho những nỗ lực bảo hộ thương hiệu. Sâu xa hơn, đây cũng là hồi chuông báo động về những hành vi ngày càng khôn khéo của các đối thủ cạnh tranh trong việc nhái theo các thương hiệu lớn.

Năm 2013, một công ty kinh doanh trong cùng lĩnh vực (Công ty X) đã tiến hành nộp đơn đăng ký nhãn hiệu HYM tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cho phụ tùng xe cộ và các bộ phận phụ trợ của xe cộ.

Là đại diện pháp lý của SYM tại Việt Nam, AGELESS đã theo dõi, phát hiện kịp thời sự việc này và ngay lập tức thông báo tới SYM, đồng thời đề xuất thực hiện ngay việc phản đối nhãn hiệu HYM.

thuong hieu

Là chủ thể kinh doanh trong cùng lĩnh vực, do vậy, việc Công ty X biết đến sự có mặt của SYM – là một thương hiệu nổi tiếng và đã có mặt rất lâu trên thị trường là chuyện đương nhiên. Không những thế, nhãn hiệu HYM còn tương tự cao với nhãn hiệu SYM trong cách thể hiện phông chữ và màu sắc. Đặc biệt, phần độc đáo nhất của nhãn hiệu SYM là chữ ”Y” được cách điệu và phối màu xanh, đỏ cũng được Công ty X thể hiện hoàn trùng lặp với nhãn hiệu của SYM.

Pháp luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam quy định về khả năng gây nhầm lẫn giữa hai nhãn hiệu, trong đó đối với nhãn hiệu gồm 3 chữ cái thì việc giống nhau 2/3 chữ cái là một tiêu chí giúp tạo khả năng phân biệt giữa hai nhãn hiệu. Công ty X dường như đã tìm hiểu, nắm bắt được điều này và đã thay chữ  cái đầu tiên ”S” thành ”H” tạo nên tổng thể mới HYM.

Nếu SYM chưa phải là một thương hiệu đã lớn mạnh và được nhiều người tiêu dùng biết đến thì có lẽ, sẽ là khó khăn không nhỏ cho chuyên viên thẩm định hồ sơ Cục Sở hữu trí tuệ trong việc tìm ra đối chứng để từ chối nhãn hiệu HYM. Giả định rằng, nếu chủ thể khác chỉ đăng ký phông chữ đen trắng cơ bản là ”HYM” hoặc ”KYM”, ”NYM” , ”TYM”…thì khả năng SYM phản đối thành công các nhãn hiệu này là rất thấp. Còn đối với HYM, Công ty X đã nắm bắt và tận dụng những quy định, quan điểm xét nghiệm để vận dùng vào việc đặt tên thương hiệu cho mình.

Trên cơ sở những ý kiến phản đối của AGELESS- đại diện pháp lý của SYM tại Việt Nam, Cục SHTT đã thẩm định hồ sơ và từ chối bảo hộ đối với nhãn hiệu HYM. Ở vụ việc này, SYM đã dành phần thắng trong việc bảo vệ thương hiệu của mình và được ghi nhận vào danh sách nhãn hiệu được biết đến rộng rãi.

Vụ việc nêu trên là một bài học cho các thương hiệu lớn về việc bảo vệ chính mình, cho thấy những chiêu trò ngày một đa dạng của những đối thủ cạnh tranh, luôn tìm mọi cách nắm bắt hoặc vận dụng những điểm mở trong quy định pháp luật để tận dụng bất cứ cơ hội thành công nào. Điều gì sẽ xảy ra nếu SYM đã không có những hàng động pháp lý cần thiết để ngăn chặn hành vi đăng ký và sử dụng HYM? Rất có thể, sẽ có một HYM tồn tại trên thị trường bên cạnh SYM, người tiêu dùng nhầm tưởng là biến thể mới của SYM và thật khó có thể đoán biết được những hệ quả liên hệ về thị phần, uy tín, danh tiếng mà SYM đã dày công xây dựng bấy lâu nay.