Đăng ký quốc tế Kiểu dáng công nghiệp theo hệ thống Lahay

22/12/2020 - 1490 lượt xem

Trước đây, khi Việt Nam chưa gia nhập Thỏa ước La Hay, các tổ chức, cá nhân Việt Nam muốn bảo hộ kiểu dáng công nghiệp ở nước ngoài chỉ có một cách thức duy nhất là nộp đơn đăng ký trực tiếp tại các cơ quan Sở hữu trí tuệ tại từng quốc gia riêng rẽ. Điều này đồng nghĩa với việc chủ đơn phải làm nhiều đơn khác nhau bằng ngôn ngữ và loại tiền khác nhau của từng nước mà mình muốn đăng ký quốc tế Kiểu dáng công nghiệp. Chủ đơn cũng mất nhiều thời gian để tìm hiểu về các quy định pháp luật của nước sở tại, tốn kém chi phí, đặc biệt là phí thuê luật sư tại từng quốc gia.

 

Đánh giá sự ưu việt của hệ thống La Hay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp, Việt Nam đã quyết định gia nhập Thỏa ước La Hay. Theo đó, Thỏa ước La Hay chính thức có hiệu lực tại Việt Nam kể từ ngày 30/12/2019.

 

1. Thỏa ước Lahay là gì?

 

Thỏa ước La Hay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp (gọi tắt là Thỏa ước La Hay) là một Điều ước quốc tế do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (viết tắt là WIPO) quản lý. Thỏa ước La Hay tạo lập một cơ chế đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp đơn giản và tiết kiệm nhằm khắc phục những khó khăn của việc nộp đơn cho cùng một kiểu dáng công nghiệp tại nhiều quốc gia.

 

Với Thỏa ước La Hay, chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp không phải nộp nhiều đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp tới từng quốc gia riêng biệt mà chỉ cần nộp một đơn duy nhất đến một cơ quan duy nhất (Văn phòng quốc tế của WIPO). Trong đơn chỉ định các quốc gia mong muốn được bảo hộ kiểu dáng công nghiệp (với điều kiện các quốc gia này là thành viên của Thỏa ước La Hay).

 

Nguồn: Cục Sở hữu trí tuệ

 

2. Lợi ích khi đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp theo thỏa ước La Hay là gì?

2.1. Đơn giản

 

Thỏa ước La Hay cho phép tổ chức, cá nhân đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp của mình tại nhiều nước là thành của Thỏa ước La Hay với một thủ tục đơn giản, tối thiểu như sau:

 

– Chỉ cần nộp một hồ sơ đơn duy nhất
– Nộp tới một cơ quan duy nhất (Văn phòng quốc tế của WIPO).
– Sử dụng một ngôn ngữ (Tiếng Anh hoặc tiếng Pháp hoặc tiếng Tây Ban Nha)
– Nộp một loại tiền tệ duy nhất (đồng Francs Thụy Sĩ)
– Chỉ với một danh mục phí.
– Việc gia hạn đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp thống nhất tại một thời điểm với một thủ tục duy nhất được thực hiện tại Văn phòng quốc tế WIPO
– Việc sửa đổi hay chuyển giao đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp tập trung với một thủ tục duy nhất được thực hiện tại Văn phòng quốc tế WIPO.
– Việc quản lý quyền đối với kiểu dáng công nghiệp được đơn giản hóa tối đa và tập trung.

 

2.2. Linh hoạt

 

– Đơn đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp theo Thỏa ước La Hay cho phép chủ đơn chỉ định bảo hộ tại 65 quốc gia và khu vực là thành viên của Thỏa ước này. Trong đó, có nhiều đối tác Thương mại lớn của Việt Nam như Hoa Kỳ, Liên minh Châu Âu, Nhật Bản, Singapore.

– Cho phép chủ đơn tự chỉ định quốc gia xuất xứ (trừ trường hợp quốc gia xuất xứ tuyên bố không cho phép tự chỉ định). Chủ đơn Việt Nam có thể tự chỉ định Việt Nam.

– Thỏa ước La Hay cho phép nộp 100 kiểu dáng công nghiệp trong cùng một đơn với điều kiện các kiểu dáng công nghiệp cùng thuộc một nhóm của Bảng phân loại quốc tế Locarno và các quốc gia được chỉ định trong đơn cho phép.

 

2.3. Tiết kiệm chi phí, thời gian cũng như các nguồn lực khác

 

Theo Thỏa ước La Hay, đơn đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp có thể chỉ định bảo hộ ở nhiều quốc gia thành viên của Thỏa ước chỉ với một khoản phí cơ bản, phí công bố chung. Chi phí đăng ký một kiểu dáng công nghiệp theo thoả ước La Hay thay đổi phụ thuộc và số lượng các kiểu dáng và số nước mà người nộp đơn xin bảo hộ kiểu dáng. Đặc biệt, các loại phí giảm đáng kể đối với kiểu dáng công nghiệp từ thứ hai trở đi.

Chủ đơn không bắt buộc phải nộp đơn đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp thông qua đại diện sở hữu công nghiệp ở từng nước được chỉ định trong trường hợp không bị từ chối bảo hộ từ các nước đó.

Nhờ đó, người nộp đơn giảm thiểu được tối đa chi phí nộp đơn cũng như phí dịch thuật, công chứng. Đồng thời, tiết kiệm được thời gian theo đuổi đơn và quản lý quyền vì chỉ cần nộp một đơn duy nhất tại một thời điểm và có một đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp chung được quản lý tập trung.

 

3. Ai có quyền nộp đơn đăng ký đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp theo thỏa ước La Hay?

 

Cá nhân, tổ chức có quyền nộp đơn đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp theo Thỏa ước La Hay nếu cá nhân, tổ chức đó thỏa mãn một trong số các điều kiện sau:

 

– Là công dân của một quốc gia thành viên của Thỏa ước La Hay, hoặc
– Thường trú tại một quốc gia thành viên của Thỏa ước La Hay, hoặc
– Có nơi cư trú tại một quốc gia thành viên của Thỏa ước La Hay, hoặc
– Có cơ sở Thương mại/công nghiệp thực sự và hiệu quả tại một quốc gia thành viên của Thỏa ước La Hay, hoặc

 

4. Làm thế nào để nộp đơn đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp?

 

Có 2 cách thức để các các nhân, tổ chức Việt Nam nộp đơn đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp theo Thỏa ước La Hay:

 

– Một là nộp trực tiếp đến Văn phòng quốc tế của WIPO;
– Hai là nộp đơn qua Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam.

 

4.1. Nộp đơn đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp trực tiếp đến Văn phòng quốc tế của WIPO

 

Người nộp đơn có thể lựa chọn nộp đơn giấy hoặc nộp đơn trực tuyến
– Với hình thức nộp đơn giấy:

• Điền thông tin cần thiết vào tờ khai theo mẫu DM/1 (tải xuống từ https://wipo.int/hague/en/forms).
• Nộp trực tiếp hoặc gửi hồ sơ qua đường bưu điện tới Văn phòng quốc tế của WIPO (không chấp nhận đơn gửi qua thư điện tử).
– Với hình thức nộp đơn trực tuyến:
• Tạo tài khoản và đăng nhập để sử dụng hệ thống nộp đơn trực tuyến e-Hague của WIPO tại địa chỉ: https://www.wipo.int/hague/en/e-filing.html
• Khai thông tin trên hệ thống, thanh toán phí bằng chuyển khoản, Paypal hoặc thẻ tín dụng và gửi đơn đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp qua hệ thống nộp đơn trực tuyến e-Hague của WIPO.

 

4.2. Nộp đơn đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp qua Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam

 

Gồm các bước sau đây:

– Tải mẫu tờ khai DM/1 từ trang web https://wipo.int/hague/en/forms hoặc nhận mẫu tại Cục Sở hữu trí tuệ và tiến hành khai thông tin vào tờ khai.
– Nộp đơn đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp (bao gồm tờ khai, bộ ảnh chụp/ bản vẽ) cho Cục Sở hữu trí tuệ kèm theo phí chuyển đơn (2.000.000 đồng cho mỗi KDCN).
– Nhận thông báo về việc nộp phí từ Cục Sở hữu trí tuệ và tiến hành nộp phí cho Văn phòng quốc tế Wipo theo một trong các cách sau:

• Ghi nợ vào một tài khoản tại Văn phòng quốc tế.
• Chuyển tiền qua tài khoản bưu điện Thụy Sỹ hoặc vào bất kỳ tài khoản ngân hàng nào được Văn phòng quốc tế chỉ định.

– Cục Sở hữu trí tuệ chuyển đơn cho WIPO.

 

5. Phải nộp các khoản phí nào khi đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp?

 

Nguồn: Cục Sở hữu trí tuệ

 

Hiện nay, Việt Nam chưa có tuyên bố về phí chỉ định riêng mà đang dùng trực tiếp mức phí chỉ định chuẩn của Văn phòng quốc tế của WIPO ở Mức 3 (vì Việt Nam có quy định về thẩm định nội dung). Khi đơn đăng ký quốc tế Kiểu dáng công nghiệp theo Thỏa ước La Hay có chỉ định Việt Nam thì sẽ được nhận từ Văn phòng quốc tế của WIPO khoản phí chỉ định chuẩn theo quy định.

 

Như vậy, so với mức phí đối với một đơn đăng ký Kiểu dáng công nghiệp nộp trực tiếp tại Cục Sở hữu trí tuệ theo đường quốc gia, mức phí chỉ định chuẩn hiện nay mà Việt Nam đang áp dụng là cao hơn. Tuy nhiên, phí gia hạn chuẩn cho một đăng ký quốc tế Kiểu dáng công nghiệp có chỉ định Việt Nam theo Thỏa ước Lahay thấp hơn khá nhiều. Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ sửa đổi Thông tư số 263/2016/TT-BTC theo hướng tăng cao hơn mức phí, lệ phí mà mỗi đơn đăng ký Kiểu dáng công nghiệp phải nộp lên ở mức độ hợp lý so với mức phí chỉ định chuẩn hiện nay của WIPO, đồng thời bổ sung phí chỉ định riêng, phí gia hạn đối với đăng ký quốc tế Kiểu dáng công nghiệp theo Thảo ước Lahay có chỉ định Việt Nam.

 

6. Quy trình xử lý đơn đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp như thế nào?

 

Nguồn: Cục Sở hữu trí tuệ

 

Việc Việt Nam gia nhập Thỏa ước Lahay đáp ứng nhu cầu thực tiễn, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp, vừa đảm bảo việc thực hiện cam kết của Việt Nam trong các Hiệp định EVFTA, CPTPP cũng như trong khối ASEAN. Đặc biệt, trong bối cảnh quyền Sở hữu trí tuệ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội, thì việc đơn giản hóa và hài hòa hóa thủ tục theo tiêu chuẩn quốc tế càng trở nên cần thiết để thúc đẩy hoạt động đăng ký và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.