Chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp

04/01/2016 - 1474 lượt xem

Chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp (SHCN) là gì?

 

Chuyển quyền sử dụng đối tượng SHCN là việc tổ chức, cá nhân nắm độc quyền sử dụng một đối tượng SHCN (Bên chuyển quyền sử dụng – thường được gọi là bên giao) cho phép tổ chức, cá nhân khác (Bên nhận quyền sử dụng – thường được gọi là bên nhận) sử dụng đối tượng SHCN đó. “Đối tượng SHCN” có thể là sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn.

 

Người có độc quyền sử dụng đối tượng SHCN là Chủ sở hữu công nghiệp (tức là chủ Văn bằng bảo hộ đối với đối tượng SHCN đó); hoặc là Bên nhận li-xăng độc quyền (tức là người được Chủ sở hữu công nghiệp chuyển giao độc quyền sử dụng đối tượng SHCN).

 

“Văn bằng bảo hộ” có thể là Bằng độc quyền sáng chế, Bằng độc quyền giải pháp hữu ích, Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.

 Chuyen quyen su dung doi tuong so huu cong nghiep

Vì sao phải chuyển quyền sử dụng đối tượng SHCN?

 

Chủ sở hữu công nghiệp có độc quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp trong thời hạn bảo hộ (thời hạn hiệu lực của Văn bằng bảo hộ) trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Tổ chức, cá nhân khác muốn sử dụng đối tượng SHCN đang trong thời gian bảo hộ nhằm mục đích thương mại phải được Chủ sở hữu công nghiệp cho phép (chuyển quyền sử dụng), thông thường dưới hình thức ký kết hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng SHCN.

 

Chuyển quyền sử dụng đối tượng SHCN là một hình thức khai thác quyền sở hữu công nghiệp, qua đó Chủ sở hữu công nghiệp thu về một khoản tiền (phí chuyển quyền sử dụng ) hoặc lợi ích vật chất khác mà không phải trực tiếp sử dụng đối tượng SHCN. Hình thức này đặc biệt thích hợp đối với những Chủ sở hữu công nghiệp không hoạt động kinh doanh hoặc không có năng lực kinh doanh. Chuyển quyền sử dụng còn góp phần phổ biến công nghệ, nâng cao hiệu quả đầu tư nghiên cứu- triển khai, hạn chế độc quyền và thúc đẩy việc tạo ra công nghệ mới. Vì vậy, có thể nói rằng, chuyển quyền sử dụng đối tượng SHCN đem lại lợi ích cho cả Chủ sở hữu công nghiệp, người được chuyển quyền sử dụng và toàn xã hội nói chung.

 

Ai có quyền chuyển quyền sử dụng đối tượng SHCN?

 

Người nắm độc quyền sử dụng đối tượng SHCN. Người được chủ sở hữu công nghiệp chuyển quyền sử dụng đối tượng SHCN và cho phép chuyển quyền sử dụng thứ cấp (tiếp tục chuyển quyền sử dụng) có quyền chuyển quyền sử dụng đối tượng SHCN đó.

 

Người chuyển quyền sử dụng chỉ được phép chuyển giao quyền thuộc về mình, nếu quyền SHCN thuộc sở hữu chung, thì việc chuyển quyền sử dụng phải được sự đồng ý của tất cả các chủ sở hữu theo quy định chung của Bộ luật dân sự.

 

Việc chuyển quyền sử dụng đối tượng SHCN có thể được thực hiện dưới những hình thức nào?

 

Có hai hình thức chuyển quyền sử dụng đối tượng SHCN:

-Chuyển quyền sử dụng theo hợp đồng, tức là theo thỏa thuận giữa bên chuyển quyền và bên nhận chuyển quyền.

-Chuyển quyền sử dụng sáng chế theo quyết định bắt buộc (không áp dụng đối với các đối tượng SHCN khác) là việc chuyển quyền sử dụng theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong một số trường hợp đặc biệt mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu sáng chế. Tài liệu này không hướng dẫn về vấn đề này.

 

Có những dạng hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng SHCN nào?

 

Hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng SHCN có thể được phân chia theo các tiêu chí khác nhau:

-Theo phạm vi quyền của bên nhận, có hai dạng hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng SHCN sau đây:

+Hợp đồng độc quyền: là hợp đồng mà theo đó trong phạm vi và thời gian chuyển quyền sử dụng, bên được chuyển quyền sử dụng đối tượng SHCN, bên chuyển quyền không được ký kết hợp đồng sử dụng đối tượng SHCN với bất kỳ bên thứ ba nào và chỉ được sử dụng đối tượng SHCN đó nếu được phép của bên được chuyển quyền;

+ Hợp đồng không độc quyền: là hợp đồng mà theo đó trong phạm vi và thời hạn chuyển quyền vẫn có quyền sử dụng đối tượng SHCN, quyền ký kết hợp đồng sử dụng đối tượng SHCN không độc quyền với người khác.

-Theo Bên giao, có hai dạng hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng SHCN sau đây:

+Hợp đồng sơ cấp là hợp đồng mà bên giao chính là chủ sở hữu đối tượng SHCN;

+Hợp đồng thứ cấp là hợp đồng mà bên giao là người được chuyển quyền sử dụng đối tượng SHCN và được chủ sở hữu công nghiệp cho phép chuyển quyền sử dụng thứ cấp theo một hợp đồng khác.

 

Tại sao cần đăng ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng SHCN?

Đăng ký hợp đồng không phải là nghĩa vụ pháp lý bắt buộc. Tuy nhiên, đăng ký hợp đồng là điều kiện để hợp đồng có hiệu lực đối với bên thứ ba.

 

Nếu cần thêm bất kỳ thông tin hoặc yêu cầu tư vấn về đăng ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng SHCN cũng như các vấn đề Sở hữu trí tuệ khác, vui lòng liên hệ với chúng tôi theo các thông tin dưới đây:

 

Công ty Luật Sở hữu trí tuệ Trường Xuân – Ageless
Trên 15 năm kinh nghiệm – Tổ chức hàng đầu Việt Nam về bảo hộ Nhãn hiệu, Bản quyền, Sáng chế, Kiểu dáng công nghiệp, xử lý xâm phạm…

Địa chỉ: Tầng 11, Tòa C, Hồ Gươm Plaza, Số 102 Trần Phú, Hà Đông, Hà Nội
Hotline: 0946 636 525
Tel. 024 3557 5599 / Fax. 84-24 3943 4479
Email: nhanhieu@ageless.vn