7 điều cần tránh khi đặt tên đăng ký nhãn hiệu

09/12/2021 - 2127 lượt xem

Nhãn hiệu nên được đặt tên như thế nào? Đây là vấn đề rất đáng lưu tâm khi bạn bắt tay gây dựng một thương hiệu riêng cho mình. Ngoài việc tạo ra một tên gọi độc đáo, dễ nhớ, dễ đọc, không có nghĩa xấu trong các ngôn ngữ thông dụng hay bản địa nhằm thu hút khách hàng, bạn còn cần quan tâm đến các quy định pháp luật, làm sao để khi đăng ký nhãn hiệu thì sẽ được bảo hộ. Bài viết dưới đây sẽ lưu ý 7 điều cần tránh khi đặt tên đăng ký nhãn hiệu:

 

      7 điều cần tránh khi đặt tên đăng ký nhãn hiệu

 

1. Không đặt tên đăng ký nhãn hiệu theo tên danh nhân, lãnh tụ trên thế giới

Tên của các lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa…có thể là động lực, nguồn cảm hứng để doanh nghiệp lựa chọn tên khi đăng ký nhãn hiệu. Tuy nhiên, việc đặt tên nhãn hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thật, biệt hiệu, bút danh, hình ảnh của những người này sẽ không được bảo hộ.

Ví dụ, đăng ký nhãn hiệu “Hồ Chí Minh”, “Lê nin” cho bất kỳ nhóm sản phẩm, dịch vụ nào đều không được bảo hộ.

2. Không đặt tên đăng ký nhãn hiệu trùng với địa danh

Không ít người mong muốn đăng ký nhãn hiệu với tên một địa danh cụ thể như một cách để nhấn mạnh nguồn gốc, tạo sự liên tưởng so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường. Tuy nhiên, khi đăng ký nhãn hiệu chỉ chứa duy nhất tên địa danhhay hình ảnh của một địa danh ở Việt Nam hay nước khác; ví dụ “Hải Dương”; “Đà Lạt”. “Liverpool”, “California”,… sẽ không được bảo hộ.

3. Không sử dụng hình quốc kỳ, quốc huy của các nước

Quốc kỳ, quốc huy là hình ảnh biểu tượng đặc trưng, mang đậm bản sắc cho một quốc gia, dân tộc. Do vậy, những hình ảnh, biểu tượng được thể hiện trên đó là những hình ảnh không thể sử dụng với mục đích thương mại để phân biệt hàng hóa, dịch vụ. Trong quá trình đăng ký nhãn hiệu, nếu nhãn hiệu của bạn có chứa hình ảnh là dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với quốc huy, quốc kỳ của một nước khác sẽ bị Cục sở hữu trí tuệ từ chối cấp Văn bằng bảo hộ. Nếu bạn có ý tưởng thì hãy sử dụng hình ảnh quốc kỳ, quốc huy của Việt Nam kết hợp với các yếu tố khác của riêng mình để tạo ra một tổng thể nhãn hiệu.

4. Không sử dụng tập hợp từ khó có thể ghi nhớ và nhận biết

Một tập hợp từ mà người tiêu dùng có hiểu biết thông thường không thể nhận biết và ghi nhớ có thể bị từ chối khi đăng ký nhãn hiệu vì lý do không có khả năng phân biệt. Ví dụ những ký tự thuộc ngôn ngữ không có nguồn gốc La-tinh như chữ A Rập, chữ tiếng Nga, chữ Phạn, chữ Hán, chữ Nhật, chữ Hàn, chữ Thái…, hay tập hợp quá nhiều chữ cái (và chữ số) không được sắp xếp theo một trật tự, quy luật xác định, chẳng hạn BGQWXPHLN.

5. Không sử dụng tên gọi thông thường của hàng hóa/dịch vụ

Dễ hiểu, dễ nhớ là một yếu tố cần đáp ứng khi cân nhắc xây dựng một thương hiệu có khả năng tiếp cận với hầu hết khách hàng. Tuy nhiên, nếu bạn chỉ sử dụng tên gọi thường của sản phẩm, dịch vụ để đăng ký nhãn hiệu thì sẽ không được bảo hộ. Ví dụ:

– “Phở bò gia truyền” cho dịch vụ nhà hàng,
– “Hoa trà” cho sản phầm “trà túi lọc” hay dịch vụ quán trà.

Tất nhiên, một tên gọi thông thường của hàng hóa/dịch vụ này vẫn có khả năng đăng ký nhãn hiệu cho hàng hóa/dịch vụ không liên quan, như “Apple” có thể đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm máy tính, điện thoại nhưng không thể đăng ký nhãn hiệu cho trái cây hay cửa hàng kinh doanh hoa quả.

6. Không sử dụng cụm từ mô tả tính chất, đặc điểm của hàng hóa/dịch vụ

Thuật ngữ mang tính mô tả là những từ thường được dùng để mô tả tính chất, đặc điểm của sản phẩm nhất định. Chẳng hạn, cụm từ “Chua cay hơn, ăn là mê” có khả năng bị từ chối khi đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm gia vị hay mì tôm vì mô tả thành phần, hương vị của sản phẩm. Trên thực tế, sẽ tạo ra sự bất công khi cho phép một cá nhân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh gia vị, mì tôm đăng ký nhãn hiệu và độc quyền sử dụng cụm từ này để tiếp thị sản phẩm này.

Tương tự, các thuật ngữ mô tả chất lượng như “Tốt nhất”, “Ngon bổ rẻ”, “Sạch và đẹp”,… sẽ bị từ chối bảo hộ, trừ khi được cách điệu độc đáo hoặc được kết hợp với các thành phần khác để tạo thành một có khả năng phân biệt trong một nhãn hiệu tổng thể.

7. Không đặt tên gây nhầm lẫn với các nhãn hiệu của người khác đã đăng ký

Đăng ký nhãn hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác đã đăng ký cho hàng hoá, dịch vụ trùng hoặc tương tự sẽ không được bảo hộ. Tương tự về nhãn hiệu dựa trên so sánh về cấu trúc, cách phát âm, ý nghĩa và hình thức thể hiện. Tương tự về sản phẩm/ dịch vụ dựa trên so sánh về bản chất, công dụng, đối tượng sử dụng và kênh phân phối.

Tuy nhiên, làm thế nào để kiểm tra được nhãn hiệu của bạn có trùng hay tương tự với nhãn hiệu đã đăng ký của người khác hay không là một việc không dễ dàng. Nếu bạn chỉ search Google là không đủ, vì có rất nhiều bên đã đăng ký nhãn hiệu nhưng họ chưa sử dụng, đưa thông tin lên Internet.

Thực tế, việc đăng ký nhãn hiệu sẽ mất khoảng 2 năm. Trong khoảng thời gian này, doanh nghiệp của bạn đã tiến hành các hoạt động marketing quảng bá thương hiệu, phát triển chất lượng sản phẩm, nhưng cuối cùng đơn đăng ký nhãn hiệu lại có thể bị từ chối bảo hộ do trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu đã đăng ký trước đó. Điều này chắc chắn gây ra tổn thất vô cùng lớn về thời gian, công sức và tiền bạc.

Để hạn chế rủi ro này, trước khi đăng ký nhãn hiệu, bạn nên thực hiện bước tra cứu nhãn hiệu, kiểm tra xem nhãn hiệu của bạn có trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu đã đăng ký trước đó của bên khác hay không. Bạn có thể tự tiến hành tra cứu thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia của Cục Sở hữu trí tuệ và dữ liệu quốc tế của WIPO. Tuy nhiên, để tránh bị thiếu sót, bạn nên tham khảo dịch vụ tra cứu nhãn hiệu của các Công ty sở hữu trí tuệ giàu kinh nghiệm, nắm vững thực tiễn hoạt động và phán quyết của cơ quan đăng ký nhãn hiệu sẽ là giải pháp hiệu quả và nhanh chóng hơn.

Nếu bạn cần hướng dẫn cụ thể về thủ tục, báo giá cho các dịch vụ đăng ký nhãn hiệu xin vui lòng liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ nhanh nhất:

CÔNG TY LUẬT SỞ HỮU TRÍ TUỆ TRƯỜNG XUÂN – AGELESS
20 năm kinh nghiệm về Nhãn hiệu, Bản Quyền, Sáng Chế, Kiểu Dáng, mã số mã vạch – TOP 5 Công ty Luật Sở hữu trí tuệ hàng đầu
Tầng 11, Tòa C, Hồ Gươm Plaza, Số 102 Trần Phú, Hà Đông, Hà Nội
Hotline / Zalo: 0946636525
T. 84-24 3557 5599 (Máy lẻ: 103)
E. nhanhieu@ageless.vn