Những khó khăn trong việc truy cứu trách nhiệm hình sự tội sản xuất, buôn bán hàng giả theo pháp luật hình sự Việt Nam

15/08/2022 - 1562 lượt xem

Thực trạng sản xuất, buôn bán hàng giả đã trở thành một vấn đề được quan tâm hàng đầu của người tiêu dùng, người quản lý và các cấp chính quyền. Số lượng các vụ sản xuất, buôn bán hàng giả được phát hiện xử lý hàng năm vẫn tăng tuy nhiên phần lớn các vụ việc được xử lý theo các chế định về  hành chính, rất ít các trường hợp xử lý theo con đường dân sự hay các đối tượng bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Dưới đây là một vụ án sản xuất, buôn bán mỹ phẩm giả tại Vĩnh Phúc vừa được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phát hiện và xét xử và các phân tích của chúng tôi dưới góc độ pháp luật hình sự

 

1. Tóm tắt diễn biến ban đầu của vụ án

Vào hồi 13h45 phút ngày 10/09/2020, tại tổ dân phố Đồng Quỳ, phường Đồng Xuân, thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, Công an thành phố Phúc Yên kiểm tra xe ô tô tải do Võ Văn Lý điều khiển. Qua kiểm tra phát hiện 03 thùng carton lớn bên trong có chứa 1.080 hộp mỹ phẩm mang tên “ESSENCE PEPTIDE”. Lý không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ và khai nhận đây là mỹ phẩm giả do em gái là Lâm Thị Nhung sản xuất tại nhà và giao cho Lý vận chuyển lên Hà Nội để tiêu thụ.

Cơ quan điều tra đã tiếp tục khám xét và thu giữ tại nơi ở của Lý và Nhung hàng trăm thùng carton chứa gần 16.000 hộp mỹ phẩm thành phẩm mang nhiều nhãn hiệu khác nhau.

Ngoài ra cơ quan công an còn thu giữ hàng nghìn lọ mỹ phẩm làm bằng nhựa chưa đóng thành phẩm. Cùng ngày, cơ quan điều tra tiến hành khám nơi cất giấu tang vật là kho, xưởng sản xuất mỹ phẩm của Nhung và thu giữ thêm 01 máy pha trộn bằng kim loại đã qua sử dụng, 01 cân điện tử màu đen, nhiều chất lỏng, dung dịch, bột khác nhau đựng trong các túi nilon cùng một số thùng phi, can nhựa,… phục vụ cho mục đích sản xuất mỹ phẩm giả.

 

 

2. Điều tra mở rộng vụ án

Qua quá trình điều tra, cơ quan Công an xác định từ năm 2018, do kinh doanh buôn bán mỹ phẩm online qua mạng xã hội, Nhung biết tới các sản phẩm mỹ phẩm mang nhãn hiệu Mask Milk Cream, Night cream, Detox Mask, Essence Peptide…. được nhiều người ưa chuộng nên đã nảy sinh ý định làm giả các sản phẩm mỹ phẩm của các nhãn hiệu nói trên để bán kiếm lời.

Để thực hiện mục đích của mình, Nhung đã đặt mua các loại nguyên liệu mỹ phẩm đã pha trộn sẵn, chai lọ, vỏ hộp giấy, tem nhãn có in sẵn tên các sản phẩm mỹ phẩm của các nhãn hiệu nói trên, đồng thời mua một số sản phẩm mỹ phẩm chính hãng về làm mẫu. Bên cạnh đó, Nhung bắt đầu thuê, nhờ tổng cộng 16 người hỗ trợ sản xuất mỹ phẩm giả, trong đó có Võ Văn Lý. Việc sản xuất mỹ phẩm giả Nhung chỉ nói cho Lý biết. Sau khi mua nguyên liệu trộn sẵn, chai lọ, vỏ hộp in sẵn các nhãn hiệu, khi cần sản xuất mỹ phẩm mang nhãn hiệu nào thì Nhung cho người hút dung dịch mỹ phẩm nguyên liệu từ các túi nilon chứa mỹ phẩm đã pha trộn sẵn đóng chai thành phẩm.

Đến cuối tháng 6 năm 2020, Nhung đặt mua máy trộm mỹ phẩm và nguyên liệu về để tự pha trộn để tối đa hóa lợi nhuận. Tuy nhiên, thành phẩm không được như mong đợi nên Nhung tiếp tục mua dung dịch đã trộn sẵn về để sang chiết, đóng gói mỹ phẩm giả. Mỹ phẩm giả sau đó được Nhung đăng bán trên mạng xã hội với giá thành thấp hơn nhiều lần sản phẩm chính hãng.

Ngày 10/09/2020, Lý đang trên đường giao mỹ phẩm giả theo yêu cầu của Nhung thì bị bắt.

Qua quá trình điều tra, Chủ sở hữu các nhãn hiệu mỹ phẩm nói trên đều khẳng định không ủy quyền hay cấp phép cho Lâm Thị Nhung sản xuất, đóng gói, và bán sản phẩm.

Theo các kết luận định giá tài sản của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự, tổng số 16.000hộp mỹ phẩm là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu trị giá trên 1,3 tỷ đồng.

 

3. Xét xử vụ án

3.1. Quan điểm đánh giá của Viện kiểm sát

Tại cáo trạng số 78/CT-VKS-P1 ngày 22/10/2021, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã truy tố Lâm Thị Nhung và Võ Văn Lý về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả” theo Điều 192.3.a của Bộ luật hình sự. Căn cứ vào tính chất, mức độ phạm tội, vai trò tham gia trong vụ án, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và nhân thân của người phạm tội, Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử:

  • Xử phạt bị cáo Lâm Thị Nhung từ 05-06 năm tù, truy thu của Lâm Thị Nhung 30.000.000đ do phạm tội mà có, phạt bổ sung bị cáo Nhung từ 20-30 triệu đồng, cấm bị cáo Nhung kinh doanh, hành nghề mỹ phẩm từ 01-02 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù;
  • Xử phạt bị cáo Võ Văn Lý từ 2,5-3 năm từ cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 05 năm;
  • Tịch thu và tiêu hủy toàn bộ số mỹ phẩm giả và nguyên liệu để sản xuất mỹ phẩm giả;
  • Tịch thu bán sung ngân sách nhà nước 01 máy pha trộn bằng kim loại đã qua sử dụng, 01 chiếc cân điện tử màu đen.

 

3.2. Nhận định của Tòa án

Tòa án nhận định các hành vi, quyết định tố tụng của Điều tra viên và Kiểm sát viên đã thực hiện đều hợp pháp; hành vi của các bị cáo Lâm Thị Nhung và Võ Văn Lý đã phạm tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả” theo Điều 192.3.a của Bộ luật hình sự. Hành vi phạm tội của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến chính sách quản lý thị trường của Nhà nước, đồng thời xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người sản xuất và người tiêu dùng, gây mất trật tự trị an và an toàn xã hội, làm quần chúng nhân dân lên án và bất bình.

 

3.3. Quyết định của Tòa án

Từ nhận định nêu trên cùng với việc xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và nhân thân của các bị cáo, tại Bản án số 05/2022/HS-ST ngày 21/01/2022, tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc tuyên án các bị cáo Lâm Thị Nhung và Võ Văn Lý phạm tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả” theo Điều 192.3.a Bộ luật hình sự. Theo đó quyết định mức xử phạt dành cho mỗi bị cáo như sau:

  • Xử phạt bị cáo Lâm Thị Nhung 05 năm tù giam, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt bị cáo đi thi hành án, truy thu của bị cáo Nhung số tiền 30.000.000đồng do phạm tội mà có; phạt bổ sung bị cáo Nhung số tiền 50.000.000 đồng, cấm bị cáo Nhung hành nghề kinh doanh mỹ phẩm trong thời hạn 01 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù;
  • Xử phạt bị cáo Võ Văn Lý 02 năm 09 tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 05 năm kể từ ngày tuyên án sơ thẩm; truy thu của bị cáo Lý 10.000.000đồng do phạm tội mà có, giao bị cáo Lý cho Ủy ban nhân dân xã Ngọc Thanh, thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc giám sát giáo dục trong thời gian thử thách;
  • Tịch thu và tiêu hủy toàn bộ số mỹ phẩm giả và nguyên liệu để sản xuất mỹ phẩm giả;
  • Tịch thu bán sung ngân sách nhà nước 01 máy pha trộn bằng kim loại đã qua sử dụng, 01 chiếc cân điện tử màu đen.

 

4. Đánh giá & Nhận xét

4.1. Yếu tố cấu thành tội sản xuất, buôn bán hàng giả

Điều 192.3.a của Bộ luật hình sự quy định như sau:

“3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

  1. a) Hàng giả có giá thành sản xuất từ 100.000.000 đồng trở lên”

Như vậy, điều khoản của Pháp Luật Hình Sự chỉ nêu tình tiết định khung và chế tài cho tội sản xuất, buôn bán hàng giả, không chỉ rõ các yếu tố cấu thành tội phạm là gì. Tuy nhiên ở đây vấn đề cần lưu ý là tương tự như các tội phạm hình sự khác, các yếu tố cấu thành của tội sản xuất và buôn bán hàng giả cũng bao gồm khách thể, chủ thể, mặt khách quan, mặt chủ quan của tội phạm, cụ thể được diễn giải như sau:

  • Khách thể

Tội sản xuất, buôn bán hàng giả xâm phạm các quy định của Nhà nước trong quản lý thị trường, xâm phạm lợi ích của người tiêu dùng, quyền được bảo hộ về sở hữu trí tuệ, kinh doanh đúng đắn của các doanh nghiệp, các nhà sản xuất. Đối tượng của tội phạm này là “hàng giả”, trong đó bao gồm hàng hóa giả mạo nhãn hiệu.

  • Mặt khách quan

Mặt khách quan của tội phạm này được thể hiện được thể hiện ở các hành vi sau: (1) Sản xuất hàng giả, trong đó có bao gồm hoạt động chế tạo, gia công, sơ chế, chế biến, sang chiết, đóng gói; (2) Buôn bán hàng giả, trong đó có bao gồm hoạt động chào hàng, lưu giữ, vận chuyển, bán buôn, bán lẻ. Trường hợp người buôn bán không biết hàng hóa mà mình đang kinh doanh là hàng giả thì không cấu thành tội phạm.

  • Chủ thể

Chủ thể của tội phạm này có thể là bất kỳ người nào từ đủ 16 tuổi trở lên có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại đủ các điều kiện chịu trách nhiệm hình sự.

  • Mặt chủ quan

Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả của mình là nguy hiểm cho xã hội nhưng vì vụ lợi nên vẫn thực hiện.

 

4.2. Khó khăn của cơ quan điều tra khi chứng minh tội sản xuất, buôn bán hàng giả

Trên thực tế, một trong những khó khăn lớn nhất của cơ quan chức năng là phải chứng minh được lỗi cố ý trực tiếp của các đối tượng sản xuất, buôn bán hàng giả, cụ thể là người sản xuất, buôn bán “biết” hàng hóa mà mình đang sản xuất, kinh doanh là hàng giả nhưng vẫn cố tình sản xuất, buôn bán để thu lợi bất chính, hay nói cách khác, cơ quan công an phải chứng minh lỗi cố ý của đối tượng. Nếu không chứng minh được yếu tố này, các vụ việc thường chỉ bị xử lý theo các biện pháp hành chính. Trở lại vụ án nêu trên, Lâm Thị Nhung được xác định là chủ mưu trong vụ án thông qua các hành vi lên kế hoạch sản xuất, thuê người, thu lợi bất chính trực tiếp từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng giả. Võ Văn lý được xem là hoàn toàn ý thức được các hành vi vi phạm pháp luật của Nhung nhưng vẫn tiếp tục tham gia, giúp sức với Nhung nên cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đối với 16 người làm công cho Nhung mặc dù có tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất mỹ phẩm giả nhưng được xác định là không biết việc Nhung sản xuất mỹ phẩm giả nên không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đây là một trong các lý do mà các vụ sản xuất kinh doanh hàng giả tại Việt Nam được xử lý theo các biện pháp hành chính nhiều hơn các biện pháp hình sự.

Mặc dù tại bản án số 05/2022/HS-ST ngày 21/01/2022, nội dung vụ án được tóm tắt bắt đầu từ sự kiện ngày 10/09/2020 Công an thành phố Phúc Yên kiểm tra xe ô tô tải của Võ Văn Lý, nhưng trên thực tế để có cơ sở khám xét xe ô tô chở hàng, khám nhà và xưởng sản xuất của các đối tượng trong cùng ngày, cơ quan điều tra đã phải có công tác điều tra và thu thập chứng cứ từ trước đó, làm cơ sở để đấu tranh với Võ Văn Lý khi dừng xe kiểm tra , tránh trường hợp đối tượng không hợp tác, không khai, vòng vo chối tội, chuyển hướng thành vô tình vận chuyển hàng giả mà không biết đó là hàng giả, dẫn đến vụ việc chỉ có thể bị xử lý vi phạm hành chính. Bên cạnh đó việc điều tra ban đầu cũng là cơ sở để trong cùng ngày cơ quan điều tra tiếp tục khám xét nhà và nơi sản xuất hàng giả của Lâm Thị Nhung.

Các hoạt động đấu tranh chống hàng giả trên thực tế cho thấy việc xử lý tội phạm hình sự sản xuất buôn bán hàng giả tại Việt Nam đã và đang gặp rất nhiều khó khăn đặc biệt là yêu cầu của pháp luật phải chứng minh được lỗi cố ý của đối tượng. Bên cạnh đó hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả ngày càng xuất hiện nhiều cũng như các đối tượng ngày càng tinh vi trong việc che giấu hành vi phạm tội, ngoài ra còn thiếu sự chủ động, tích cực ngăn chặn từ chủ nhãn hiệu bị làm giả một phầnxuất phát từ tâm lý ngại mất thời gian, ngại kiện tụng, tố cáo những hành vi trái pháp luật.

Theo số liệu thống kê của cơ quan quản lý thị trường, số lượng các vụ sản xuất, buôn bán hàng giả được phát hiện ngày một nhiều, nhưng số lượng các vụ án được thụ lý và đưa ra xét xử tại Tòa án lại chưa đáng kể. Bên cạnh đó, các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính và tịch thu hàng hóa chưa đủ sức răn đe. Điều này cho thấy cần phải hoàn thiện các quy định của pháp luật về tội này cũng như nâng cao ý thức trách nhiệm của chủ sở hữu nhãn hiệu và  công dân trong xã hội trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả nói riêng và tội phạm xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ nói chung, góp phần ổn định và phát triển kinh tế thị trường và phục vụ sự nghiệp đổi mới của đất nước.

Các bài viết liên quan