12 ĐIỂM MỚI NỔI BẬT VỀ BẢO HỘ SÁNG CHẾ THEO LUẬT SỞ HỮU TRÍ TUỆ SỬA ĐỔI 2022

26/08/2022 - 1826 lượt xem

Từ ngày 01 tháng 01 năm 2023, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ số 07/2022/QH15 (sau đây gọi là “Luật SHTT sửa đổi 2022” hay “Luật SHTT mới”) bắt đầu có hiệu lực thi hành. Trong bài viết này, Ageless xin chỉ ra những điểm mới về bảo hộ sáng chế theo Luật SHTT sửa đổi 2022.

 

               Luật SHTT sửa đổi 2022 có nhiều điểm mới về bảo hộ sáng chế

 

1. Sửa đổi quy định về tính mới của Sáng chế

Luật SHTT 2005 đã có quy định về tính mới của Sáng chế tại Điều 60.1 nhưng còn khái quát.

Luật SHTT sửa đổi 2022 đã điều chỉnh Điều 60.1 theo hướng làm rõ 2 trường hợp sáng chế bị coi là mất tính mới. Cụ thể, sáng chế được coi là có tính mới nếu không thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  • Bị bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn đăng ký sáng chế hoặc trước ngày ưu tiên trong trường hợp đơn đăng ký sáng chế được hưởng quyền ưu tiên; 
  • Bị bộc lộ trong đơn đăng ký sáng chế khác có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn nhưng được công bố vào hoặc sau ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên của đơn đăng ký sáng chế đó.

 

2. Bổ sung quy định về quyền đăng ký Sáng chế

Thứ nhất, luật SHTT sửa đổi 2022 đã bổ sung quy định cho phép tổ chức, cá nhân được giao quản lý nguồn gen cung cấp nguồn gen, tri thức truyền thống về nguồn gen theo hợp đồng tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích có quyền nộp đơn đăng ký sáng chế (Điều 86.1.b).

Thứ hai, Luật SHTT sửa đổi 2022 đã bổ sung Điều 86a trong đó quy định về quyền đăng ký sáng chế là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước như sau:

  • Đối với sáng chế không thuộc lĩnh vực quốc phòng và an ninh quốc gia sử dụng toàn bộ ngân sách nhà nước, quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được giao cho tổ chức chủ trì một cách tự động và không bồi hoàn; 
  • Đối với sáng chế không thuộc lĩnh vực quốc phòng và an ninh quốc gia, được đầu tư bằng nhiều nguồn vốn, trong đó có một phần ngân sách nhà nước, phần quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí tương ứng với tỷ lệ phần ngân sách nhà nước được giao cho tổ chức chủ trì một cách tự động và không bồi hoàn; 
  • Trường hợp sáng chế thuộc lĩnh vực quốc phòng và an ninh quốc gia, sử dụng ngân sách nhà nước, quyền đăng ký sáng chế tương ứng với tỷ lệ phần ngân sách nhà nước thuộc về Nhà nước. Đại diện chủ sở hữu nhà nước thực hiện quyền đăng ký này.

 

3. Bổ sung khái niệm “Sáng chế mật”

Luật SHTT 2005 không đề cập đến khái niệm về Sáng chế mật.

Luật SHTT sửa đổi 2022 đã bổ sung khái niệm “Sáng chế mật là sáng chế được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác định là bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước” (Điều 4.12a).

Chính phủ Việt Nam sẽ quy định chi tiết về trình tự thủ tục xử lý đơn đăng kýsáng chế mật bằng một Nghị định riêng.

 

4. Bổ sung quy định về Kiểm soát an ninh đối với sáng chế trước khi nộp đơn đăng ký ở nước ngoài

Luật SHTT sửa đổi 2022 đã bổ sung Điều 89a quy định về Kiểm soát an ninh đối với sáng chế trước khi nộp đơn đăng ký ở nước ngoài. Cụ thể:

  • Sáng chế thuộc các lĩnh vực kỹ thuật có tác động đến quốc phòng, an ninh, được tạo ra tại Việt Nam và thuộc quyền đăng ký của cá nhân là công dân Việt Nam và thường trú tại Việt Nam hoặc của tổ chức được thành lập theo pháp luật Việt Nam chỉ được nộp đơn đăng ký sáng chế ở nước ngoài nếu đã được nộp đơn đăng ký sáng chế tại Việt Nam để thực hiện thủ tục kiểm soát an ninh; 
  • Trình tự thủ tục đăng ký sáng chế thuộc quy định trên sẽ được Chính Phủ hướng dẫn ở một Nghị định riêng.

Theo đó, trường hợp đơn đăng ký SC được nộp trái với quy định về kiểm soát an ninh nêu trên thì sẽ bị từ chối chấp nhận đơn hợp lệ.

 

5. Sửa đổi, bổ sung một số quy định về hủy bỏ hiệu lực bằng độc quyền sáng chế

So với Luật SHTT 2005, luật SHTT sửa đổi 2022 đã điều chỉnh, bổ sung một số quy định về hủy bỏ hiệu lực bằng độc quyền sáng chế , cụ thể là:

  • 2 trường hợp hủy bỏ toàn bộ hiệu lực bằng độc quyền sáng chế gồm:
  • Đơn đăng ký sáng chế được nộp trái với quy định về kiểm soát an ninh;
  • Đơn đăng ký sáng chế đối với sáng chế được trực tiếp tạo ra dựa trên nguồn gen hoặc tri thức truyền thống về nguồn gen nhưng không bộc lộ hoặc bộc lộ không chính xác về nguồn gốc.
  • 6 trường hợp bằng độc quyền sáng chế bị hủy bỏ toàn bộ hoặc một phần hiệu lực gồm:
  • Người nộp đơn không có quyền đăng ký sáng chế và không được người có quyền đăng ký sáng chế chuyển nhượng quyền đăng ký;
  • Sáng chế không đáp ứng các điều kiện bảo hộ như không có tính mới, không có trình độ sáng tạo và không có khả năng áp dụng công nghiệp; hoặc sáng chế trái với đạo đức xã hội, trật tự công cộng, có hại cho quốc phòng, an ninh;
  • Việc sửa đổi, bổ sung đơn đăng ký sáng chế làm mở rộng phạm vi đối tượng đã bộc lộ hoặc nêu trong đơn hoặc làm thay đổi bản chất của đối tượng yêu cầu đăng ký nêu trong đơn;
  • Sáng chế không được bộc lộ đầy đủ và rõ ràng đến mức căn cứ vào đó người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng có thể thực hiện được;
  • Sáng chế được cấp văn bằng bảo hộ vượt qua phạm vi bộc lộ trong bản mô tả ban đầu của đơn đăng ký sáng chế;
  • Sáng chế không đáp ứng nguyên tắc nộp đơn đầu tiên theo quy định tại Điều 90 của Luật SHTT

 

6. Bổ sung quy định về yêu cầu chung đối với đơn đăng ký sáng chế

Luật SHTT sửa đổi 2022 đã bổ sung điểm đ1 Điều 100 như sau: “Tài liệu thuyết minh về nguồn gốc của nguồn gen hoặc tri thức truyền thống về nguồn gen trong đơn đăng ký sáng chế, đối với sáng chế được trực tiếp tạo ra dựa trên nguồn gen hoặc tri thức truyền thống về nguồn gen”.

 

7. Thêm một cơ chế phản đối đơn đăng ký sáng chế

Luật SHTT 2005 có quy định về cơ chế để người thứ ba có ý kiến với Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) về việc cấp hoặc không cấp văn bằng bảo hộ đối với đơn sáng chế:

  • Thời hạn là kể từ ngày đơn đăng ký sáng chế được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp đến trước ngày ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ.
  • Văn bản nêu ý kiến của người thứ ba được coi là một nguồn thông tin tham khảo cho quá trình xử lý đơn đăng ký sáng chế.

Luật SHTT sửa đổi 2022 đã bổ sung thêm một cơ chế mới để phản đối cấp bằng cho đơn đăng ký sáng chế, với quy định như sau:

  • Thời hạn phản đối là 09 tháng kể từ ngày đơn đăng ký sáng chế được công bố và trước ngày ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ;
  • Ý kiến phản đối phải được lập thành văn bản kèm theo tài liệu hoặc trích dẫn nguồn thông tin để chứng minh cho ý kiến phản đối và phải nộp phí, lệ phí.
  • Trình tự, thủ tục xử lý ý kiến phản đối sẽ do Bộ trưởng Bộ KH&CN quy định chi tiết.

 

8. Bổ sung quy định về thẩm định nội dung đơn đăng ký sáng chế

Luật SHTT sửa đổi 2022 đã bổ sung quy định chính thức cho phép Cục sở hữu trí tuệ có thể sử dụng kết quả thẩm định nội dung đơn đăng ký sáng chế trùng với sáng chế được yêu cầu bảo hộ do cơ quan sáng chế nước ngoài thực hiện trong quá trình thẩm định khả năng bảo hộ sáng chế tại Việt Nam. Bộ trưởng Bộ KH&CN sẽ hướng dẫn chi tiết về qui định này.

 

9. Bổ sung các trường hợp từ chối cấp Bằng độc quyền sáng chế (Điều 117) 

Luật SHTT 2005 đã qui định 3 trường hợp từ chối cấp Bằng độc quyền sáng chế là:

  • Có cơ sở để khẳng định rằng đối tượng nêu trong đơn không đáp ứng đầy đủ các điều kiện bảo hộ;
  • Đơn đáp ứng các điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ nhưng không phải là đơn có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 90 của Luật này;
  • Đơn thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 90 của Luật này mà không được sự thống nhất của tất cả những người nộp đơn.

Luật SHTT mới bổ sung thêm 6 trường hợp đăng ký sáng chế sẽ bị từ chối cấp văn bằng bảo hộ, đó là:

  • Người nộp đơn sáng chế không có quyền đăng ký;
  • Việc sửa đổi, bổ sung đơn đăng ký sáng chế làm mở rộng phạm vi đối tượng đã bộc lộ hoặc nêu trong đơn hoặc làm thay đổi bản chất của đối tượng yêu cầu đăng ký nêu trong đơn;
  • Sáng chế được yêu cầu bảo hộ vượt quá phạm vi bộc lộ trong bản mô tả ban đầu;
  • Sáng chế không được bộc lộ đầy đủ và rõ ràng trong bản mô tả sáng chế đến mức căn cứ vào đó người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng có thể thực hiện được sáng chế;
  • Đơn đăng ký sáng chế không bộc lộ hoặc bộc lộ không chính xác về nguồn gốc của nguồn gen hoặc tri thức truyền thống về nguồn gen;
  • Đơn đăng ký sáng chế được nộp trái với quy định về kiểm soát an ninh.

 

10. Bổ sung quy định về đền bù cho chủ sở hữu sáng chế vì chậm trễ trong việc cấp phép lưu hành dược phẩm

Nội dung này chưa được qui định trong luật SHTT 2005 và đã được Luật SHTT mới bổ sung chi tiết tại Điều 131a như sau:

  • Khi thực hiện thủ tục duy trì hiệu lực Bằng độc quyền sáng chế (BĐQSC), chủ BĐQSC không phải nộp phí sử dụng văn bằng bảo hộ cho khoảng thời gian mà thủ tục đăng ký lưu hành lần đầu của dược phẩm được sản xuất theo BĐQSC đó tại Việt Nam bị chậm.
  • Thủ tục đăng ký lưu hành dược phẩm bị xem là chậm nếu kết thúc thời hạn hai năm, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đăng ký lưu hành mà cơ quan có thẩm quyền cấp phép lưu hành dược phẩm không có văn bản phản hồi lần đầu đối với hồ sơ.
  • Khoảng thời gian bị chậm được tính từ ngày đầu tiên sau khi kết thúc hai năm kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền cấp phép lưu hành dược phẩm nhận đủ hồ sơ đến khi có văn bản phản hồi lần đầu.
  • Thời gian chậm do lỗi của người nộp đơn hoặc do nguyên nhân nằm ngoài kiểm soát của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền không tính vào các khoảng thời gian bị chậm.
  • Trường hợp chủ BĐQSC đã nộp phí sử dụng Bằng độc quyền sáng chế, số phí đã nộp sẽ được trừ vào kỳ duy trì hiệu lực tiếp theo hoặc hoàn trả.
  • Để không phải nộp phí sử dụng, trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày dược phẩm được cấp phép lưu hành, chủ BĐQSC phải nộp văn bản xác nhận thủ tục đăng ký lưu hành dược phẩm bị chậm.
  • Chính phủ sẽ có Nghị định quy định chi tiết về Điều này.

 

11. Bổ sung thêm căn cứ bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng đối với Sáng chế

Luật SHTT 2005 đưa ra 4 căn cứ bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng đối với Sáng chế

Luật SHTT sửa đổi 2022 đã bổ sung thêm căn cứ thứ 5 bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng đối với sáng chế, cụ thể là trong trường hợp việc sử dụng sáng chế nhằm đáp ứng nhu cầu về dược phẩm để phòng bệnh, chữa bệnh của quốc gia khác có đủ điều kiện nhập khẩu theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

 

12. Sửa đổi quy định về trả tiền đền bù trong trường hợp sáng chế được chuyển giao theo quyết định bắt buộc

Theo luật SHTT 2005, một trong những điều kiện hạn chế quyền sử dụng sáng chế được chuyển giao theo quyết định bắt buộc là “Người được chuyển giao quyền sử dụng phải trả cho người nắm độc quyền sử dụng sáng chế một khoản tiền đền bù thỏa đáng tùy thuộc vào giá trị kinh tế của quyền sử dụng đó trong từng trường hợp cụ thể phù hợp với khung giá đền bù do Chính phủ quy định.

Luật SHTT mới đã sửa đổi “Người được chuyển giao quyền sử dụng phải trả cho người nắm độc quyền sử dụng sáng chế khoản tiền đền bù theo thỏa thuận, trường hợp không đạt được thỏa thuận thì thực hiện theo quy định của Chính phủ, trừ trường hợp quyền sử dụng sáng chế được chuyển giao theo quyết định bắt buộc để nhập khẩu dược phẩm theo cơ chế của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và khoản tiền đền bù cho việc sử dụng sáng chế được chuyển giao theo quyết định bắt buộc đã được trả tại nước xuất khẩu.

Các bài viết liên quan