TOP 10 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam năm 2019

07/10/2019 - 2504 lượt xem

Ngày 24/9/2019, Brand Finance – Công ty định giá thương hiệu hàng đầu thế giới đã công bố danh sách Top 50 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam, theo đó, Viettel là thương hiệu có giá trị đứng đầu khi được định giá với hơn 4,3 tỷ USD. Như vậy, giá trị thương hiệu của Viettel tăng 20% tức tương đương 1,5 tỷ USD so với năm 2018, có giá trị gấp gần 3 lần thương hiệu đứng thứ 2 và bằng tổng giá trị của 3 thương hiệu ở vị trí liền sau trong bảng xếp hạng.

Danh sách đầy đủ 50 thương hiệu giá trị nhất tại đây.

Với giá trị thương hiệu hiện tại, Viettel là một trong 8 thương hiệu của Đông Nam Á và là thương hiệu duy nhất của Việt Nam lọt Top 500 thương hiệu giá trị nhất thế giới do Brand Finance công bố.

Trong top 10 thương hiệu hàng đầu Việt Nam thì có đến 4 thương hiệu trong lĩnh vực công nghệ viễn thông. Đây cũng phù hợp với xu thế phát triển của thế giới nói chung (Đứng đầu bảng xếp hạng các thương hiệu thế giới năm 2018 cũng là các tên tuổi trong lĩnh vực công nghệ – thông tin như Apple, Google, Microsoft,…) Điều này có thể nói Việt Nam đang bắt kịp xu hướng phát triển chung của thế giới.

Về giá trị thương hiệu, mặc dù cùng là những thương hiệu hàng đầu nhưng giá trị thương hiệu ở các quốc gia cũng có sự khác nhau. Cụ thể DBS là thương hiệu có giá trị hàng đầu Singapore, thương hiệu này trong lĩnh vực ngân hàng và giá trị ước tính khoảng 9 tỷ USD, Samsung là thương hiệu trong lĩnh vực công nghệ, dẫn đầu Hàn Quốc với giá trị ước tính khoảng hơn 83 tỷ USD, Tata là thương hiệu đa ngành, trong đó đặc biệt là công nghệ thông tin, viễn thông và máy móc, với giá trị ước tính khoảng hơn 19 tỷ USD.

Brand Finance tính toán giá trị các thương hiệu trong bảng xếp hạng sử dụng “phương pháp chiết khấu phí bản quyền”. Phương pháp này ước tính doanh số tương lai được tạo ra từ thương hiệu và tính toán tỷ lệ phí bản quyền trả cho việc sử dụng thương hiệu, tương đương với việc công ty muốn sử dụng thương hiệu phải trả cho việc sử dụng thương hiệu – với giả định rằng thương hiệu không thuộc sở hữu của công ty đó.

Năm 2020 dự kiến là một năm đầy thách thức với nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Đặc biệt khi Nhà nước có nhiều chính sách kinh tế hội nhập mới, ưu đãi với các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, cuộc cách mạng 4.0 cũng thúc đẩy các doanh nghiệp phải có chiến lược đúng đắn trong việc xây dựng và bảo hộ thương hiệu để giữ vững vị trí của mình. Đặc biệt đối với các thương hiệu giá trị thì đây còn là một áp lực lớn, bởi ngoài việc giữ mức tăng trưởng còn phải cạnh tranh với các thương hiệu khác vẫn đang lớn mạnh không ngừng.

Các bài viết liên quan