LƯU Ý ĐỂ TRÁNH BỊ TỪ CHỐI BẢO HỘ KIỂU DÁNG CÔNG NGHIỆP

13/05/2022 - 1429 lượt xem

Bảo hộ kiểu dáng công nghiệp là việc các cá nhân, tổ chức tiến hành thủ tục nộp đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp của mình tại Cục sở hữu trí tuệ để được cấp bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp. Khi được cấp bằng, chủ sở hữu sẽ tạo được uy tín, lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm cũng như có cơ sở để ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm phạm.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc đăng ký kiểu dáng công nghiệp có thể bị gián đoạn, chậm trễ, thậm chí bị từ chối bảo hộ do không đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật.  Trong bài viết này, chúng tôi chỉ ra một số lỗi thường gặp khi đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp và đưa ra một số lưu ý để người nộp đơn có một quá trình đăng ký thuận lợi.

 

1. Thiếu sót liên quan đến bộ ảnh chụp, bản vẽ đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp

Trong hồ sơ đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp thì bộ ảnh chụp, bản vẽ là tài liệu không thể thiếu. Đã có rất nhiều trường hợp đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp bị từ chối bảo hộ do bộ ảnh chụp/bản vẽ có thể kể đến một số lý do như:

+ Có lẫn Hình vẽ trong Ảnh chụp hoặc ngược lại;

+ Thiếu Ảnh chụp/Hình vẽ ở một hoặc một số góc chiếu theo quy định;

+  Ảnh chụp bị bóng, lóa, chỗ sáng chố tối;

+ Đường nét trên Ảnh chụp/Hình vẽ bị vỡ, bị mờ, bị mất nét;

+ Ảnh chụp/Hình vẽ của các góc chiếu không theo một chiều nhất định, không cùng một tỷ lệ và không được sắp xếp đúng theo thứ tự.

Để tránh xảy ra các trường hợp từ chối bảo hộ liên quan đến chất lượng Ảnh chụp/Hình vẽ nêu trên, người nộp đơn cần lưu ý các điểm sau:

+ Đối với việc tạo bộ Ảnh chụp: nên để vị trí và khoảng cách giữa máy ảnh và vật thể trong suốt quá trình chụp ảnh được giữ cố định; điều chỉnh tiêu cự chụp ảnh phù hợp để thể hiện rõ ràng nhất tất cả các chi tiết bên ngoài của vật thể; không lấy nét vào một điểm cụ thể trên vật thể cần chụp (không sử dụng chế độ làm mờ nền);

+ Đối với việc tạo bộ Hình vẽ: phải thể hiện thống nhất các chi tiết bên ngoài dù là nhỏ nhất của vật thể và giữ nguyên tỷ lệ kích thước giữa các chi tiết ở các góc chiếu khác nhau.

 

Bảo hộ kiểu dáng công nghiệp cơ sở để xác lập quyền sở hữu, ngăn chặn các hành vi xâm phạm

 

2. Đối tượng yêu cầu bảo hộ không phải là đối tượng được bảo hộ dưới danh nghĩa kiểu dáng công nghiệp

Theo khoản 13 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ: “Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài” của sản phẩm, được thể hiện bằng đường nét, hình khối, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố đó.

Sản phẩm được hiểu là đồ vật, dụng cụ, thiết bị, phương tiện, hoặc bộ phận dùng để lắp ráp, hợp thành các sản phẩm đó, được sản xuất bằng phương pháp công nghiệp hoặc thủ công nghiệp, có kết cấu và chức năng rõ ràng, được lưu thông độc lập.

Như vậy, chỉ sản phẩm hoàn chỉnh và các bộ phận của sản phẩm có thể tách rời để lưu thông độc lập mới có thể đăng ký kiểu dáng công nghiệp. Nếu một phần trên sản phẩm không thể tách rời khỏi sản phẩm thì không có khả năng lưu thông độc lập và do đó không thể đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp.

Hiện nay, có nhiều người nộp đơn nhận thức sai về thuật ngữ “hình dáng bên ngoài” của sản phẩm nên đã đăng ký bảo hộ cho hoa văn trang trí trực tiếp trên bề mặt sản phẩm – đối tượng không được bảo hộ dưới danh nghĩa kiểu dáng công nghiệp. Cần lưu ý rằng hoa văn trang trí trực tiếp trên bề mặt sản phẩm không tách rời được ra khỏi sản phẩm thì không được coi là một sản phẩm/bộ phận có thể lưu thông độc lập trên thị trường và không phải là đối tượng được bảo hộ kiểu dáng công nghiệp.

Ngoài ra, biểu tượng hay giao diện màn hình cũng không phải là đối tượng được bảo hộ dưới danh nghĩa kiểu dáng công nghiệp tại Việt Nam vì chúng không được coi là một sản phẩm độc lập.

Để khắc phục tình trạng này và bảo vệ tối đa sản phẩm sáng tạo của mình, người nộp đơn nên lựa chọn đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp cho hình dạng bên ngoài của sản phẩm mà có trang trí hoa văn/biểu tượng đó HOẶC đăng ký như một nhãn hiệu chứa hoa văn/biểu tượng có thể dán lên sản phẩm nhất định HOẶC đăng ký bản quyền tác giả.

 

3. Kiểu dáng công nghiệp không có tính mới

Tính mới là một trong những điều kiện để được bảo hộ kiểu dáng công nghiệp.

Kiểu dáng công nghiệp được coi là có tính mới nếu kiểu dáng đó khác biệt đáng kể với những kiểu dáng công nghiệp đã bị bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên nếu đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được hưởng quyền ưu tiên.

Ở giai đoạn thẩm định nội dung, một trong các lý do chính để từ chối bảo hộ là do kiểu dáng công nghiệp không có tính mới vì:

+ Trùng hoặc không khác biệt đáng kể với các kiểu dáng công nghiệp khác đã có; hoặc

+ Trùng hoặc không khác biệt đáng kể với kiểu dáng công nghiệp của chính mình đã bị bộc lộ trước đó.

Đối với lý do thứ nhất, người nộp đơn nên thực hiện tra cứu thông tin trước khi nộp đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp. Việc tra cứu kiểu dáng công nghiệp này có thể tự thực hiện hoặc thông qua tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp.

Đối với lý do thứ hai, có hai nguyên nhân chính:

+ Nguyên nhân thứ nhất: do chính người nộp đơn công bố công khai và/hoặc đưa sản phẩm có kiểu dáng công nghiệp này ra thị trường trước khi nộp đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp;

+ Nguyên nhân thứ hai: Người nộp đơn không yêu cầu hưởng quyền ưu tiên cho chính kiểu dáng công nghiệp đó đã được nộp ở nước khác mà được công bố trước ngày nộp đơn ở Việt Nam.

Do đó, khi có bất kỳ ý tưởng sáng tạo nào nên lập kế hoạch để thực hiện các thủ tục đăng ký kiểu dáng công nghiệp trước khi thực hiện chào hàng, quảng cáo hay bán ra thị trường hay bất kì hình thức khai thác thương mại nào khác. Ngoài ra, cần xem xét kỹ các thông tin về đơn đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp đó đã nộp ở nước ngoài để yêu cầu hưởng quyền ưu tiên một cách hợp lý.

 

Trong trường hợp cần thêm thông tin hoặc sự trợ giúp trong việc bảo hộ kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, sáng chế, quyền tác giả tại Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanma, hãy liên hệ với chúng tôi thông qua email: info@ageless.vn

Các bài viết liên quan