Bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

17/10/2019 - 2208 lượt xem

Ngày 08/10 vừa qua, tại Hà Nội, Cơ quan Sáng chế Nhật Bản (JPO) phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam và Viện Thúc đẩy Sáng chế và Sáng kiến Nhật Bản (JIPII) tổ chức hội thảo: “Bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.

Khai mạc hội thảo, ông Đinh Hữu Phí – Cục trưởng Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam phát biểu: cuộc cách mạng lần thứ tư mở ra thời kỳ mới đối với toàn nhân loại đồng thời tạo ra những cơ hội cũng như thách thức đối với sự phát triển kinh tế xã hội đặc biệt với hệ thống sở hữu trí tuệ của mỗi quốc gia. Ông cũng khẳng định tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh hoạt động quản lý, bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ để nhanh chóng thích nghi với những thay đổi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ở nước ta hiện nay.

 

Ông Đinh Hữu Phí phát biểu khai mạc Hội thảo

Hội thảo có sự góp mặt của các chuyên gia trong nước và Nhật Bản để cùng chia sẻ về các chủ đề đáng chú ý như: “Ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến phát triển kinh tế xã hội và hệ thống Sở hữu Trí tuệ tại Việt Nam” được nêu ra bởi Ông Đỗ Thiên Hoàng – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo và Hỗ trợ, Tư vấn Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam, “Thực tiễn quản lý Sở hữu công nghiệp của Nhật Bản trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4” giới thiệu bởi Ông Manabu Niki – Phòng hợp tác Quốc tế Cơ quan Sáng chế Nhật Bản, “Những thách thức và giải pháp đặt ra cho Hệ thống Sở hữu Trí tuệ Việt Nam để thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” được chỉ ra bởi Ông Nguyễn Văn Bảy – Trưởng phòng Pháp chế và Chính sách Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam, “Sự phát triển của thương mại điện tử tại Việt Nam hiện nay và những khó khăn, thách thức trong thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường số” được khái quát bởi Bà Nguyễn Như Quỳnh – Phó Chánh thanh tra Bộ Khoa học & Công nghệ Việt Nam.

Bà Nguyễn Như Quỳnh chia sẻ tại Hội Thảo

Kết thúc hội thảo, các diễn giả đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đào tạo, nâng cao kiến thức chuyên môn của nguồn nhân lực cũng như đề ra các giải pháp khắc phục sự ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đối với việc bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ.

Các bài viết liên quan