Năm 2016, WIPO chọn lĩnh vực Digital (công nghệ số) là chủ đề của “IP Day” để kêu gọi hành động với khẩu hiệu “Digital Creativity: Culture Reimagined- Sáng tạo số: Tái hiện văn hóa”. Hưởng ứng ngày Sở hữu trí tuệ thế giới, Bộ Khoa học & Công nghệ, Cục Sở hữu trí tuệ phối hợp cùng một số đơn vị khác đã tổ chức chương trình kỷ niệm với thông điệp hết sức ý nghĩa “ Ai cũng có thể trở thành IP man”.
Công ty Luật Sở hữu trí tuệ Trường Xuân – Ageless và hàng ngàn các bạn sinh viên đến từ các trường đại học tại Hà Nội đã tham gia hưởng ứng, cùng hướng về mục tiêu “Chúng ta cần ý thức được đầy đủ về giá trị bản thân mình, khát khao sáng tạo đổi mới không ngừng, tôn trọng tài sản trí tuệ của người khác và đấu tranh bảo vệ những giá trị tốt đẹp của đổi mới sáng tạo”.
Sân trường Đại học Bách Khoa Hà Nội tràn ngập sắc đỏ của áo cờ đỏ sao vàng cùng màu vàng của đồng phục IP man. Ngày kỷ niệm đã trở thành một ngày lễ thực sự ý nghĩa với mục tiêu góp phần nâng cao nhận thức về tài sản Sở hữu trí tuệ cũng như thúc đẩy tiềm năng và đam mê sáng tạo của cộng đồng xã hội.
Phát biểu tại sự kiện, ông Trần Việt Thanh, Thứ trưởng Bộ KH&CN, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ chia sẻ về tầm quan trọng của Khoa học và công nghệ, đổi mới và sáng. Ông cũng nhấn mạnh Sở hữu trí tuệ là công cụ vô cùng hữu hiệu nhằm khuyến khích đổi mới sáng tạo. Thành quả sáng tạo cần được đãi ngộ công bằng và xứng đáng thông qua các thế chế chặt chẽ và phù hợp.
Tài sản trí tuệ là một nguồn tài sản quan trọng tạo ra sự thịnh vượng và lợi thế cạnh tranh cũng như là nền tảng để phát triển bền vững của mỗi Quốc gia. Nâng cao hiểu biết và có sự chuyển bị kỹ càng về Sở hữu trí tuệ là hết sức quan trọng trong quá trình hội nhập đặc biệt khi Việt Nam đã trở thành thành viên của WTO cũng như hiệp định đa phương TPP và các FTA song phương. Sự kiện “ngày Sở hữu trí tuệ thế giới” đã góp phần ý nghĩa trong việc tạo ra một làn sóng Sở hữu trí tuệ trong cộng đồng.