8 ĐIỂM MỚI VỀ ĐĂNG KÝ KIỂU DÁNG CÔNG NGHIỆP THEO LUẬT SỞ HỮU TRÍ TUỆ NĂM 2022

13/09/2022 - 1442 lượt xem

Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) sửa đổi 2022 với nhiều điểm mới về đăng ký kiểu dáng công nghiệp sẽ chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2023. Bài viết sau đây, Ageless sẽ nêu ra 8 điểm mới quan trọng trong Luật SHTT sửa đổi 2022 về lĩnh vực này.

 

    Luật SHTT sửa đổi năm 2022 có nhiều điểm mới về đăng ký kiểu dáng công nghiệp

 

1. Sửa đổi khái niệm kiểu dáng công nghiệp

Việc sửa đổi khái niệm kiểu dáng công nghiệp (KDCN) được xem là một trong những điểm nhấn đáng chú ý nhất trong Luật SHTT sửa đổi 2022 về bảo hộ kiểu dáng công nghiệp. Cụ thể:

  • Luật SHTT 2005 qui định: “Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này”.
  • Luật SHTT sửa đổi 2022 đã điều chỉnh như sau: Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm hoặc bộ phận để lắp ráp thành sản phẩm phức hợp, được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này và nhìn thấy được trong quá trình khai thác công dụng của sản phẩm hoặc sản phẩm phức hợp(Khoản 13 Điều 1)

Như vậy, luật SHTT sửa đổi 2022 đã mở rộng hơn khái niệm về KDCN so với qui định hiện hành. Điều này nhằm đáp ứng nhu cầu về bảo hộ kiểu dáng cũng như đảm bảo thi hành các cam kết trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) mà Việt Nam đã tham gia.

 

2. Đơn giản hóa yêu cầu đối với đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp

Theo Luật SHTT 2005, một trong những tài liệu bắt buộc trong đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp là bản mô tả kiểu dáng công nghiệp. Trong đó, phần mô tả kiểu dáng công nghiệp phải đáp ứng các điều kiện phức tạp.

Luật SHTT mới đã sửa đổi theo hướng đơn giản hóa, theo đó, hồ sơ đăng ký KDCN không bắt buộc phải có một bản mô tả riêng với các quy định chi tiết như hiện nay nữa, thay vào đó chỉ cần bản mô tả kiểu dáng công nghiệp được thể hiện trong bộ ảnh chụp, bản vẽ, cụ thể như sau:

Điều 103: Yêu cầu đối với đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp

  1. Tài liệu xác định kiểu dáng công nghiệp cần bảo hộ trong đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp gồm bộ ảnh chụp, bản vẽ kiểu dáng công nghiệp và bản mô tả kiểu dáng công nghiệp được thể hiện trong bộ ảnh chụp, bản vẽ.
  2. Bộ ảnh chụp, bản vẽ kiểu dáng công nghiệp phải thể hiện đầy đủ các đặc điểm tạo dáng của kiểu dáng công nghiệp yêu cầu bảo hộ đến mức căn cứ vào đó, người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực tương ứng có thể xác định được kiểu dáng công nghiệp đó.
  3. Bản mô tả kiểu dáng công nghiệp được thể hiện trong bộ ảnh chụp, bản vẽ phải liệt kê thứ tự các ảnh chụp, bản vẽ trong bộ ảnh chụp, bản vẽ và các đặc điểm tạo dáng của kiểu dáng công nghiệp.”

Sửa đổi các quy định theo hướng đơn giản hóa như trên cho phép người nộp đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp dễ dàng, thuận tiện hơn trong việc chuẩn bị hồ sơ tài liệu; đồng thời giảm khối lượng công việc, thời gian cho cơ quan nhà nước.

 

3. Cho phép trì hoãn công bố đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp

Theo Luật SHTT 2005, đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được công bố trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày đơn được chấp nhận là đơn hợp lệ.

Luật SHTT sửa đổi 2022 lần đầu tiên cho phép trì hoãn công bố đơn đăng ký KDCN lên tới 7 tháng với điều kiện người nộp đơn phải nộp yêu cầu trì hoãn tại thời điểm nộp đơn, cụ thể:

 “3. Đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp, đơn đăng ký nhãn hiệu, đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý được công bố trong thời hạn hai tháng kể từ ngày đơn được chấp nhận là đơn hợp lệ. Đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp có thể được công bố vào thời điểm muộn hơn theo yêu cầu của người nộp đơn tại thời điểm nộp đơn nhưng không quá bảy tháng kể từ ngày nộp đơn. (Điều 110)

Đây là một trong những điểm mới về đăng ký Kiểu dáng công nghiệp không thể bỏ qua trong Luật SHTT 2022. Việc bổ sung quy định này mang lại nhiều ý nghĩa cho người nộp đơn trong việc:

– Giữ được tính mới cho kiểu dáng công nghiệp trong trường hợp chưa đưa sản phẩm ra thị trường (tối đa 7 tháng);

– Khả năng thu lợi nhuận nhiều hơn do tính cạnh tranh cao hơn nhờ giữ được bí mật trước khi đưa sản phẩm ra thị trường.

 

4. Thêm cơ chế để phản đối cấp bằng cho đơn đăng ký KDCN (Điều 112a)

Luật SHTT 2005 có quy định về cơ chế để người thứ ba có ý kiến với Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) về việc cấp hoặc không cấp văn bằng bảo hộ đối với đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp:

  • Thời hạn là kể từ ngày đơn đăng ký KDCN được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp đến trước ngày ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ;
  • Văn bản nêu ý kiến của người thứ ba được coi là một nguồn thông tin tham khảo cho quá trình xử lý đơn KDCN.

Luật SHTT sửa đổi 2022 đã bổ sung thêm một cơ chế mới để phản đối cấp bằng cho đơn đăng ký KDCN, cụ thể như sau:

  • Thời hạn phản đối là 4 tháng kể từ ngày đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được công bố và trước ngày ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ;
  • Ý kiến phản đối phải được lập thành văn bản kèm theo tài liệu hoặc trích dẫn nguồn thông tin để chứng minh cho ý kiến phản đối và phải nộp phí, lệ phí;

 

5. Sửa đổi quy định về chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp (Điều 121)

 

6. Bổ sung căn cứ từ chối cấp bằng cho đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp

Luật SHTT 2005 quy định 3 căn cứ từ chối cấp bằng cho đơn đăng ký KDCN gồm:

  • Đối tượng nêu trong đơn không đáp ứng đầy đủ các điều kiện bảo hộ KDCN;
  • Đơn đáp ứng các điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ nhưng không phải là đơn có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất;
  • Trường hợp có nhiều đơn đăng ký của các chủ đơn khác nhau cùng đáp ứng các điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ và cùng có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất mà các chủ thể này không thỏa thuận được rút một đơn đăng ký.

Luật SHTT sửa đổi 2022 đã bổ sung thêm 2 trường hợp đăng ký KDCN sẽ bị từ chối cấp văn bằng bảo hộ, đó là:

  • Người nộp đơn không có quyền đăng ký kiểu dáng công nghiệp;
  • Việc sửa đổi, bổ sung đơn làm mở rộng phạm vi đối tượng đã bộc lộ hoặc nêu trong đơn hoặc làm thay đổi bản chất của đối tượng yêu cầu đăng ký nêu trong đơn.

Đối với thủ tục phản đối, bên thứ ba có thể sử dụng một trong năm căn cứ trên để phản đối cấp bằng cho đơn đăng ký KDCN.

 

7. Sửa đổi, bổ sung một số quy định về hủy bỏ hiệu lực bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp

So với Luật SHTT 2005, luật SHTT sửa đổi 2022 đã điều chỉnh, bổ sung một số quy định về hủy bỏ hiệu lực bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp.

Theo đó, bằng độc quyền KDCN có thể bị xem xét hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ hiệu lực nếu thuộc một trong ba trường hợp sau đây:

  • Người nộp đơn đăng ký Kiểu dáng công nghiệp không có quyền đăng ký và không được người có quyền đăng ký chuyển nhượng quyền đăng ký kiểu dáng đó;
  • Đối tượng nêu trong đơn đăng ký không đáp ứng các điều kiện bảo hộ kiểu dáng công nghiệp hoặc KDCN trái với đạo đức xã hội, trật tự công cộng, có hại cho quốc phòng, an ninh;
  • Việc sửa đổi, bổ sung đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp làm mở rộng phạm vi đối tượng đã bộc lộ hoặc nêu trong đơn hoặc làm thay đổi bản chất của đối tượng yêu cầu đăng ký nêu trong đơn.

 

8. Bổ sung quy định về hiệu lực của Đăng ký quốc tế KDCN có chỉ định Việt Nam

Luật SHTT 2005 không có quy định về nội dung này.

Luật SHTT sửa đổi 2022 đã bổ sung quy định về hiệu lực của đăng ký quốc tế KDCN có chỉ định Việt Nam theo Thỏa ước La Hay (Điều 93) như sau:

– Đăng ký quốc tế KDCN có chỉ định Việt Nam có hiệu lực kể từ ngày Cục SHTT ra quyết định chấp nhận bảo hộ đối với KDCN hoặc kể từ ngày tiếp theo ngày kết thúc thời hạn 06 tháng tính từ ngày Văn phòng quốc tế (WIPO) công bố, tính theo thời điểm nào đến sớm hơn.

– Thời hạn hiệu lực của đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp được tính theo quy định của Thỏa ước La Hay.

Các bài viết liên quan