5 nội dung cần lưu ý về kiểm tra, giám sát và tạm dừng thông quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có yêu cầu bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ

24/12/2020 - 1728 lượt xem

Ngày 06/03/2020, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 13/2020/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 13/2015/TT-BTC quy định về kiểm tra, giám sát và tạm dừng thông quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có yêu cầu bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (Thông tư 13/2020). Thông tư 13/2020 được sửa đổi có hiệu lực từ ngày 20 tháng 4 năm 2020.

Dưới đây là 5 nội dung cần lưu ý trong hoạt động kiểm tra, giám sát và tạm dừng thông quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có yêu cầu bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ:

1. Làm thế nào để nộp hồ sơ đề nghị kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có yêu cầu bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ?

– Theo Thông tư 13/2020: Tổ chức, cá nhân có thể gửi hồ sơ đề nghị kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có yêu cầu bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đến Tổng cục Hải quan thông qua Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan. Hồ sơ gồm:

a) Đơn đề nghị kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có yêu cầu bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo mẫu số 01 – ĐĐN/SHTT/2020 Phụ lục ban hành kèm Thông tư 13/2020;
b) Văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp hoặc tài liệu khác chứng minh quyền sở hữu công nghiệp đang được bảo hộ tại Việt Nam hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp; Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền đối với giống cây trồng hoặc tài liệu khác chứng minh quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền đối với giống cây trồng;
c) Mô tả chi tiết hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, ảnh chụp, các đặc điểm phân biệt hàng thật với hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, nếu biết;
d) Danh sách những người xuất khẩu, nhập khẩu hợp pháp hàng hóa có yêu cầu giám sát; danh sách những người có khả năng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, nếu biết;
e) Văn bản ủy quyền (trong trường hợp ủy quyền nộp đơn). Trường hợp tổ chức, cá nhân ủy quyền không có trụ sở tại Việt Nam thì văn bản ủy quyền phải được hợp pháp hóa lãnh sự, trừ trường hợp không yêu cầu hợp pháp hóa lãnh sự theo thỏa thuận tại các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên;
f) Chứng từ nộp phí hải quan 200.000 đồng/1 đơn.

– Trường hợp Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan chưa đáp ứng hoặc bị lỗi, tổ chức, cá nhân nộp 01 bộ hồ sơ giấy gồm các chứng từ nêu trên tại bộ phận Một cửa của Tổng cục Hải quan hoặc gửi qua bưu điện tới Tổng cục Hải quan (Cục Giám sát quản lý về hải quan). Chứng từ quy định tại điểm a, c, d nêu trên là bản chính; chứng từ quy định tại điểm b, đ, e nêu trên là bản chụp có ký tên, đóng dấu xác nhận của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc người được ủy quyền hợp pháp.

– Trường hợp các tài liệu cung cấp cho Tổng cục Hải quan có thay đổi, bổ sung thì người nộp đơn có trách nhiệm thông báo cho Tổng cục Hải quan thông tin về số, ngày văn bản thông báo chấp nhận kiểm tra, giám sát của cơ quan hải quan và các thông tin có thay đổi, bổ sung kèm tài liệu liên quan đến thông tin thay đổi, bổ sung theo phương thức như nêu trên. Cơ quan hải quan kiểm tra, đối chiếu thông tin theo thông báo của người nộp Đơn đề nghị với hồ sơ đề nghị kiểm tra, giám sát đã được chấp nhận và có văn bản thông báo về việc thay đổi, bổ sung thông tin gửi Cục Hải quan các tỉnh, thành phố, Cục Điều tra chống buôn lậu.

 

 

2. Làm thế nào để gia hạn thời hạn áp dụng biện pháp kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa có yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ?

– Trường hợp người nộp Đơn đề nghị gia hạn thời hạn áp dụng biện pháp kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa có yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc người được ủy quyền hợp pháp gửi Đơn đề nghị gia hạn đến Tổng cục Hải quan thông qua Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan chậm nhất 20 ngày trước ngày hết hiệu lực ghi trong văn bản thông báo chấp nhận đề nghị kiểm tra, giám sát. Trong đơn nêu rõ thông tin về số, ngày và thời hạn hiệu lực của văn bằng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đề nghị gia hạn; số, ngày văn bản thông báo chấp nhận kiểm tra, giám sát của cơ quan hải quan. Cơ quan Hải quan tiếp nhận Đơn đề nghị gia hạn và xử lý theo quy định.
– Trường hợp Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan chưa đáp ứng hoặc bị lỗi, đơn đề nghị gia hạn được nộp tại bộ phận Một cửa của Tổng cục Hải quan hoặc gửi qua bưu điện tới Tổng cục Hải quan (Cục Giám sát quản lý về hải quan).

3. Làm thế nào để nộp hồ sơ đề nghị tạm dừng làm thủ tục hải quan?

– Người nộp đơn gửi hồ sơ đề nghị tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có yêu cầu bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đến Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục hải quan thông qua Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan.
– Trường hợp Tổng cục Hải quan (Cục Giám sát quản lý về hải quan) chưa chấp nhận Đơn đề nghị kiểm tra, giám sát, hồ sơ đề nghị tạm dừng làm thủ tục hải quan gồm:

a) Hồ sơ đề nghị kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ;
b) Đơn đề nghị tạm dừng làm thủ tục hải quan theo mẫu số 02 – ĐTD/SHTT/2020 ban hành kèm theo Thông tư 13/2020;
c) Chứng từ bảo lãnh của tổ chức tín dụng hoặc khoản tiền đảm bảo theo quy định tại khoản 3 Điều 74 Luật Hải quan;
d) Chứng từ nộp phí hải quan theo tạm dừng làm thủ tục hải quan theo quy định tại Thông tư 274/2016/TT-BTC.

– Trường hợp Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan chưa đáp ứng hoặc bị lỗi, chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc người được ủy quyền hợp pháp nộp 01 bộ hồ sơ giấy cho Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục hải quan cho hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đề nghị tạm dừng làm thủ tục hải quan. Chứng từ tại điểm b, c nêu trên là bản chính, chứng từ tại điểm d là bản chụp có ký tên, đóng dấu xác nhận của người nộp Đơn đề nghị.
– Trường hợp Tổng cục Hải quan (Cục Giám sát quản lý về hải quan) đã có văn bản thông báo chấp nhận Đơn đề nghị kiểm tra, giám sát: Hồ sơ đề nghị tạm dừng làm thủ tục hải quan gồm các chứng từ quy định tại điểm b, c, d nêu trên.

4. Thời hạn tạm dừng làm thủ tục hải quan là bao lâu?

– Theo thông tư 13/2020, thời hạn tạm dừng làm thủ tục hải quan là 10 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan hải quan ra quyết định tạm dừng làm thủ tục hải quan. Trường hợp người yêu cầu tạm dừng có lý do chính đáng thì thời hạn này có thể gia hạn với điều kiện người yêu cầu tạm dừng làm thủ tục hải quan phải nộp thêm khoản tiền hoặc chứng từ bảo lãnh theo quy định tại khoản 3 Điều 74 Luật Hải quan. Thời hạn gia hạn không quá 10 ngày làm việc kể từ ngày hết thời hạn tạm dừng.
Sau khi người nộp Đơn đề nghị có Đơn đề nghị gia hạn tạm dừng làm thủ tục hải quan và đã nộp khoản tiền hoặc chứng từ bảo lãnh, Chi cục Hải quan nơi quyết định tạm dừng thực hiện việc gia hạn thời gian tạm dừng theo mẫu số 04 – GHTD/SHTT/2020 ban hành kèm theo Thông tư 13/2020.

5. Xử lý hàng hóa bị tạm dừng làm thủ tục hải quan như thế nào?

5.1. Đối với hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ:

Trường hợp xác định hàng hóa bị tạm dừng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chi cục Hải quan nơi ra quyết định tạm dừng sẽ thực hiện một hoặc đồng thời các công việc sau:
– Ra quyết định thụ lý vụ việc theo thủ tục hành chính;
– Ra quyết định tạm giữ hàng hóa trong trường hợp có cơ sở khẳng định hàng hóa bị tạm dừng là hàng giả mạo về sở hữu trí tuệ; hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm, thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, vật liệu xây dựng;
– Thực hiện xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa xâm phạm quyền sở trí tuệ tùy theo thẩm quyền, bằng việc áp dụng các biện pháp xử phạt sau:

> Phạt cảnh cáo;
> Phạt tiền đến 25.000.000 đồng
> Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt
> Áp dụng biện một hoặc một số các pháp khắc phục hậu quả sau:

• Buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hóa, phương tiện kinh doanh và tiêu hủy yếu tố vi phạm;
• Buộc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý sau khi đã loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hóa;
• Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam đối với hàng hóa quá cảnh xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp hoặc buộc tái xuất đối với hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý sau khi đã loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hóa;
• Buộc tiêu hủy hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý nếu không loại bỏ được yếu tố vi phạm gắn trên tang vật, phương tiện vi phạm đó; hàng hóa vi phạm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường; tem, nhãn, vật phẩm mang nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý giả mạo; tem, nhãn, bao bì, vật phẩm khác mang yếu tố vi phạm; văn bằng bảo hộ, giấy chứng nhận hoặc tài liệu khác bị sửa chữa, tẩy xóa hoặc giả mạo;
• Buộc sửa đổi, bổ sung chỉ dẫn về sở hữu công nghiệp;
• Buộc thu hồi tang vật, phương tiện vi phạm bị tẩu tán;
• Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính hoặc buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã bị tiêu thụ, tẩu tán hoặc tiêu hủy trái quy định của pháp luật.

 

5.2. Đối với hàng hóa có dấu hiệu là hàng giả

Trường hợp phát hiện hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có dấu hiệu là hàng giả, người có thẩm quyền thực hiện ngay biện pháp ngăn chặn theo quy định, bao gồm tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm trước khi tiến hành xử lý.
Trong thời gian tạm giữ hàng hóa, cơ quan hải quan nơi ban hành quyết định áp dụng các biện pháp ngăn chặn thực hiện một hoặc kết hợp các công việc sau để xác định hàng giả:

– Yêu cầu chủ hàng, chủ sở hữu hàng thật bị làm giả cung cấp tài liệu có liên quan đến hàng hóa để có cơ sở xác định hàng giả;
– Trường hợp cần thiết, thực hiện lấy mẫu và giám định tại tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định kiểm tra phục vụ quản lý Nhà nước hoặc thương nhân giám định;
– Phối hợp với lực lượng kiểm soát chống buôn lậu để thực hiện xác minh, điều tra theo nghiệp vụ quy định.

5.3. Đối với hàng hóa có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

Trường hợp có căn cứ cho rằng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu là hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, Chi cục hải quan nơi làm thủ tục hải quan thông báo cho chủ thể quyền SHTT: Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của cơ quan hải quan.

– Nếu chủ thể quyền sở hữu trí tuệ không có yêu cầu tạm dừng làm thủ tục hải quan thì cơ quan hải quan tiếp tục làm thủ tục hải quan;

– Nếu chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có đơn đề nghị tạm dừng làm thủ tục hải quan kèm theo chứng từ bảo đảm tại ngân hàng bằng 20% giá trị lô hàng bị đề nghị tạm dừng thông quan hoặc tối thiểu 20 triệu đồng, Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục hải quan thực hiện:

• Quyết định tạm dừng làm thủ tục hải quan theo quy định tại Điều 10 Thông tư 13/2020;
• Trường hợp có đủ cơ sở xác định hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan xem xét quyết định áp dụng ngay các biện pháp xử lý theo quy định tại Điều 214 (các hình thức xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả) và Điều 215 Luật Sở hữu trí tuệ (các biện pháp ngăn chặn), đồng thời phối hợp với lực lượng kiểm soát các cấp để thu thập thông tin, điều tra, xác minh về hàng hóa để xử lý theo quy định.

Kết thúc thời hạn tạm giữ hoặc trong thời gian áp dụng các biện pháp ngăn chặn theo quy định, trên cơ sở kết luận giám định (trường hợp thực hiện giám định) nếu đủ cơ sở kết luận hàng hóa bị nghi ngờ là hàng giả, cơ quan hải quan tiến hành xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật. Trường hợp kết luận hàng hóa không phải là hàng giả, cơ quan hải quan thực hiện tiếp thủ tục thông quan hàng hóa theo quy định. Trường hợp phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì cơ quan hải quan thực hiện thủ tục xử lý theo quy định tại Luật Tổ chức các cơ quan điều tra hình sự, Bộ Luật hình sự và Bộ Luật tố tụng hình sự.
Để đảm bảo quyền lợi của mình, các tổ chức, cá nhân xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa; Tổ chức, cá nhân là chủ thể bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chủ sở hữu hàng thật bị làm giả cần theo dõi thực hiện theo đúng quy định của thông tư 13/2020/TT-BTC và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Các bài viết liên quan