Vụ Án Xâm Phạm Quyền Sở Hữu Công Nghiệp tại Thanh Hóa: Chi Tiết Và Phân Tích

30/07/2024 - 1060 lượt xem

Gần đây, Công ty Luật Sở hữu trí tuệ Trường Xuân (Ageless) đã đại diện cho một nhãn hiệu thời trang nổi tiếng trong một vụ án hình sự về tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp xảy ra tại Thanh Hóa. Trong vụ án này, mặc dù các đối tượng vi phạm chỉ kinh doanh theo mô hình hộ gia đình nhỏ lẻ, nhưng số lượng sản phẩm giả mạo nhãn hiệu lại rất lớn, gây nhiều thách thức và khó khăn trong quá trình điều tra và xử lý vi phạm. Hãy cùng chúng tôi đi sâu vào phân tích vụ án này để có thêm những góc nhìn trong việc bảo vệ và thực thi quyền Sở hữu công nghiệp, đặc biệt là bảo vệ quyền đối với nhãn hiệu tại Việt Nam.

 

1. Tóm tắt diễn biến của vụ án

TL làm nghề kinh doanh rèm, mành bông vải sợi, giày dép, (theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cá thể do Phòng Tài chính-Kế hoạch thuộc UBND thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hoá cấp). 

Vào đầu năm 2020, TTh là con dâu của TL về sinh sống cùng nhà, thấy hoạt động kinh doanh truyền thống của TL không hiệu quả, nên TTh đã bàn bạc thống nhất với mẹ chồng mua những mặt hàng giả các nhãn hiệu nổi tiếng để bán theo hình thức livestream trên mạng xã hội Facebook kiếm lời.

Thông qua mạng xã hội, TTh và TL đã liên hệ với Tú Giày, Thanh Thanh; vợ chồng Dũng Hà (các đối tượng này đều có địa chỉ ở Hà Nội) để mua giày dép, với Nhung Chăn (cũng ở Hà Nội) để đặt mua chăn, gối, chiếu. Ngoài ra, TL và TTh còn mua nước hoa, mỹ thẩm, đồng hồ, đồ gia dụng, quần áo, giày dép, túi xách…. có gắn các nhãn hiệu nổi tiếng trên thế giới từ các cá nhân kinh doanh thông qua mạng xã hội, nhưng không biết tên, nơi ở và địa chỉ của những người này. Khi phát hiện có một số sản phẩm bị lỗi thì TL và TTh đã hoàn trả lại một số hàng hóa cho những người bán. Hàng hóa mua về TL có ghi vào sổ theo dõi nhưng không đầy đủ, hàng hóa trả lại không ghi vào sổ. Hai người không nhớ chính xác số lượng hàng hóa giả mạo nhãn hiệu đã mua là bao nhiêu. 

Để phục vụ cho việc bán hàng, TTh chuẩn bị các thiết bị phục vụ cho việc livestream như điện thoại di động, thiết bị ánh sáng. TTh dùng nhiều trang Facebook để livestream bán hàng trực tiếp. Số tiền bán hàng được khách hàng thanh toán vào tài khoản ngân hàng đứng tên mẹ đẻ của TTh (TTh nhờ mẹ đứng tên). TL và TTh cũng thuê lái xe để vận chuyển và nhân viên đóng gói hàng hoá, được trả công theo từng công việc.

Hàng hóa sau khi nhập về được TL và TTh tập kết tại 4 kho chứa hàng tại thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hoá. Từ ngày 27/4/2022 đến ngày 29/4/2022, Cục quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa phối hợp với các cơ quan chức năng khám xét hành chính 04 kho hàng nêu trên. Quá trình khám xét thu giữ 143 chủng loại, tổng 27.825 sản phẩm, chưa qua sử dụng. 

Sau khi thu giữ hàng hóa, Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa đã trao đổi với Cục Sở hữu trí tuệ – Bộ khoa học Công nghệ Việt Nam và các đại diện chủ thể quyền tại Việt Nam và xác minh được đa số hàng hóa mang nhãn hiệu thời trang, quần áo, giày dép nổi tiếng đều là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu. Một số hàng hóa không xác minh được chủ sở hữu. Một số hàng hóa là hàng chính hãng sản xuất.

Xét thấy vụ việc có dấu hiệu hàng hóa giả mạo nhãn hiệu và có yếu tố nước ngoài, hồ sơ vụ việc đã được chuyển đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa để tiếp tục điều tra.

 

2. Điều tra mở rộng 

Quá trình điều tra vụ án, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã tạm giữ những đồ vật, tài liệu sau: 

 

– 143 chủng loại hàng hóa (tổng 27.825 sản phẩm). 

– 01 đầu thu Cammera tại nhà TL. 

– 01 thiết bị đèn hắt sáng của TTh sử dụng để livestream được thu giữ trong quá trình khám xét. 

 

Trong đó, xác định 54 chủng loại (13.770 sản phẩm) đã thu giữ là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu căn cứ vào kết quả trả lời của Cục sở hữu trí tuệ – Bộ khoa học Công nghệ, kết quả trưng cầu giám định Viện khoa học sở hữu trí tuệ – Bộ Khoa học và công nghệ và các ý kiến khẳng định của các đại diện chủ thể quyền.

Căn cứ vào kết quả định giá của Hội đồng định giá tài sản thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hoá xác định 13.770 sản phẩm giả mạo nhãn hiệu, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp thu giữ tại nhà TL có tổng giá trị 973.996.000 đồng (Chín trăm bảy ba triệu chín trăm chín sáu nghìn đồng). TL và TTh không nhớ đã bán được bao nhiêu sản phẩm hàng giả mạo nhãn hiệu nên không xác định được số tiền thu lợi. 

 

3. Quyết định của Tòa Án và các vấn đề pháp lý:

3.1. Đối với TL và TTh

Căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án và quá trình tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử kết luận TL và TTh phạm tội “Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp” theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 226 Bộ luật hình sự năm 2015 (BLHS) với các căn cứ:

 

  • Qua quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa, TL và TTh khai nhận bản thân không phải đại diện được ủy quyền cho các nhãn hàng hoặc được cho phép sử dụng nhãn hiệu tại Việt Nam, tuy nhiên vì muốn thu được nhiều lợi nhuận nên mặc dù biết rõ 54 chủng loại hàng hoá là giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng được bảo hộ tại Việt Nam nhưng vẫn mua về bán.
  • Kết quả định giá 770 sản phẩm vi phạm quyền sở hữu công nghiệp trị giá 973.996.000 đồng
  • Vụ án có tính chất đồng phạm tuy nhiên là đồng phạm giản đơn. Trong vụ án này TL là người thống nhất việc mua bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, trực tiếp theo dõi sổ sách mua bán hàng hóa, cân đối giá cả để bán kiếm lời nên TL giữ vai trò thứ nhất trong vụ án. TTh là người bàn bạc với TL về việc mua bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, giao dịch mua hàng, trực tiếp livestream bán hàng giả mạo nhãn hiệu nên TTh giữ vai trò thứ hai.

 

Vì vậy, TAND Tỉnh Thanh Hóa căn cứ vào Điểm đ khoản 2 Điều 226; Điểm i,s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 17; Điều 58; Điều 65 Bộ luật hình sự năm 2015 tuyên bố: Bị cáo TL và TTh phạm tội “Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp” và xử phạt: 

 

  • Bị cáo TL 12 (mười hai) tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 24 (Hai mươi bốn) tháng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm. Ngoài ra, TL còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền 80.000.000₫ (Tám mươi triệu đồng) để nộp ngân sách Nhà nước;
  • Bị cáo TTh 09 (chín) tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 18 (Mười tám) tháng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm. Ngoài ra, TTh còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền 60.000.000₫ (Sáu mươi triệu đồng) để nộp ngân sách Nhà nước;
  • Hai bị cáo phải chịu án phí theo quy định của pháp luật.
  • Về dân sự: Tòa án đã công nhận sự thoả thuận bồi thường về danh dự, uy tín bị xâm phạm giữa bị cáo TL và đại diện theo uỷ quyền của các chủ thể quyền hai nhãn hiệu đã có yêu cầu bồi thường, theo đó bị cáo TL sẽ phải bồi thường cho mỗi chủ thể quyền 20.000.000 đ (hai mươi triệu đồng). Ngoài ra, Tòa án vẫn giành quyền khởi kiện vụ án dân sự khác cho các chủ thể quyền đối với hai bị cáo về yêu cầu bồi thường thiệt hại khi có căn cứ và có yêu cầu.

 

* Bình luận

Điều 226 BLHS quy định các dấu hiệu của Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp như sau:

  • Người nào cố ý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam mà đối tượng là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu … với …hàng hóa vi phạm trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 500 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
  • Nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị sẽ bị áp dụng khung hình phạt cao hơn là phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: Có tổ chức; Hàng hóa vi phạm trị giá 500 triệu đồng trở lên

 

Các vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và kinh doanh hàng giả hiện diễn biến theo chiều hướng ngày càng gia tăng đặc biệt là việc kinh doanh trên môi trường mạng Internet tuy nhiên đa phần các vụ việc được xử lý qua các phương thức hành chính, số lượng vụ việc được đem ra truy tố xét xử theo pháp luật hình sự được xem là còn ít trên tổng số các vụ vi phạm. Cần lưu ý rằng để có thể truy tố các đối tượng theo pháp luật hình sự thì thứ nhất cơ quan điều tra cần chứng minh được lỗi cố ý của các đối tượng, tuy nhiên trên thực tế việc chứng minh này là tương đối khó khăn và mất nhiều công sức trong quá trình điều tra; đối với yêu cầu xác định giá trị hàng hóa (từ 200 triệu đồng trở lên) thì có phần đơn giản hơn thông qua quá trình thu giữ, kê biên định giá của các cơ quan chức năng.

Trong vụ án này TL và TTh là những người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự, TL là người đã từng kinh doanh ngành hàng giầy dép, thời trang nên hoàn toàn có đầy đủ ý thức hay ít nhất là ý thức về các thương hiệu, uy tín, nổi tiếng, giá cả…của các nhãn hàng trong ngành thời trang, dệt may. Cùng với sự bàn bạc giữa TL và TTh, mua sắm trang thiết bị phục vụ quá trình bán hàng đã thể hiện rõ sự cố ý của hai đối tượng. Vậy đã đủ các yếu tố cấu thành tội phạm.

Pháp luật hình sự có xét đến những tình tiết tăng nặng mà theo đó TL và TTh có hai tình tiết tăng nặng là phạm tội có tổ chức như có sự bàn bạc, thống nhất, phân công nhiệm vụ, thuê nhân công đóng gói và vận chuyển hàng hóa…; số lựơng và giá trị hàng vi phạm 973.996.000 đồng, vào mức trên 500 triệu đồng theo luật định. Bên cạnh đó pháp luật hình sự cũng xét đến những tình tiết giảm nhẹ liên quan trực tiếp đến vụ án như bị cáo thành khẩn khai báo, tỏ ra ăn năn hối cải, phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng….hay xét đến yếu tố gián tiếp như gia đình, người thân là người có công với cách mạng mà trong vụ án này tòa án đã xem xét đến khi lượng hình TL và TTh.

Một cách tổng quát có thể thấy, Tòa án đã xem xét đầy đủ các yếu tố cấu thành tội phạm, các tình tiết định khung, tăng nặng và giảm nhẹ, áp dụng quy định pháp luật để đưa ra mức án nhân đạo nhưng vẫn đảm bảo tính nghiêm minh. Hình phạt án treo kết hợp với phạt tiền và thời gian thử thách có tác dụng răn đe và giáo dục, giúp người phạm tội có cơ hội sửa chữa lỗi lầm mà không bị cách ly khỏi xã hội.

 

3.2. Đối với nhóm đối tượng bán hàng cho TL và TTh

Do TL và TTh ghi chép không đầy đủ nên cơ quan điều tra không xác định được số lượng hay giá trị hàng hóa giả mạo nhãn hiệu đã mua từ Tú Giày, Thanh Thanh, vợ chồng Dũng Hà là bao nhiêu.

Trong quá trình điều tra Tú Giày và Thanh Thanh cũng không thừa nhận việc bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu cho TTh mà chỉ thừa nhận bán hàng hóa không gắn nhãn hiệu, hàng thanh lý, hàng sản xuất trong nước và bán theo lô. Ngoài ra sổ ghi chép của TL không có các tài liệu, chứng cứ vật chất nào khác thể hiện việc mua, bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu từ các cá nhân này nên chưa đủ cơ sở để xem xét xử lý hình sự đối với Tú Giày và Thanh Thanh.

Phía vợ chồng Dũng Hà khai nhận có bán cho TTh khoảng 1000 đôi giày dép không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn, chứng từ, thanh toán bằng tiền mặt, trong đó có giầy dép gắn nhãn hiệu và giầy, dép không gắn nhãn hiệu. Vợ chồng Dũng Hà không mở sổ theo dõi nên không nhớ có bao nhiêu đôi giầy dép có gắn nhãn hiệu và có bao nhiêu đôi giầy dép không gắn nhãn hiệu. TL và TTh cũng không xác định được cụ thể số giày dép giả mạo nhãn hiệu đã mua của vợ chồng Dũng Hà. Do đó không đủ căn cứ xem xét xử lý hình sự đối với vợ chồng Dũng Hà. 

Đối với Nhung Chăn là người đã bán các sản phẩm chăn, gối, chiếu gắn nhãn hiệu của các thương hiệu nổi tiếng cho TL. Quá trình điều tra, Nhung Chăn thừa nhận mình đã mua chăn, gối, chiếu và tem nhãn các nhãn hiệu nổi tiếng trên thị trường, sau đó gắn vào các sản phẩm để dễ tiêu thụ cũng như bán lại cho TL. Quá trình điều tra cho thấy sổ ghi chép của TL và của Nhung Chăn thể hiện số lượng chăn, gối, chiếu gắn nhãn hiệu đã mua bán với nhau. Tuy nhiên, theo kết luận giám định của Viện khoa học sở hữu trí tuệ – Bộ khoa học Công nghệ và Kết luận định giá của Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự tỉnh Thanh Hóa, xác định trong số hàng hóa nêu trên chỉ có chăn gắn giả một nhãn hiệu nổi tiếng là sản phẩm xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, có tổng giá trị là 76.500.000đ.

Như đã phân tích về Điều 226 BLHS ở trên, mặc dù đối tượng này có thừa nhận việc gắn nhãn hiệu giả mạo, đã thể hiện lỗi cố ý trong hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu của các chủ thể khác nhưng do tổng giá trị hàng hóa vi phạm chưa đến 200 triệu nên chưa đủ đủ yếu tố cấu thành tội Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp theo Điều 226 BLHS.

Ngoài ra, TL và TTh khai nhận còn mua nước hoa, mỹ phẩm, đồng hồ, đồ gia dụng, quần áo, túi xách… có gắn các nhãn hiệu nổi tiếng trên thế giới từ các cá nhân khác thông qua mạng xã hội nhưng TL và TTh không biết tên, địa chỉ của những người này, do đó không có cơ sở xem xét xử lý đối với các cá nhân đã bán hàng cho TL và TTh. 

Có thể thấy, quá trình điều tra các vụ án hình sự liên quan đến tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp thường gặp nhiều khó khăn phức tạp. Trước hết, việc ghi chép không đầy đủ, thiếu chứng cứ hoặc chứng cứ bị các đối tượng vi phạm tiêu hủy đã gây trở ngại cho việc xác định số lượng, giá trị hàng hóa giả mạo – là cơ sở để xem xét cấu thành tội phạm. Mặt khác các đối tượng không thừa nhận hành vi bán hàng giả mạo, chỉ khai báo bán hàng không gắn nhãn hiệu hoặc hàng thanh lý…..cũng gây khó khăn trong việc thu thập bằng chứng trực tiếp của cơ quan tố tụng.

Cuối cùng, việc truy tìm nguồn gốc hàng hóa và các đối tượng vi phạm thông qua mạng xã hội cũng là một thách thức lớn cho cơ quan tố tụng do thiếu thông tin về tên, nơi ở và địa chỉ cụ thể của những người này. Điều này phản ánh những thách thức trong việc thu thập và xác minh chứng cứ, cũng như việc xác định trách nhiệm hình sự trong các vụ án xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp trên môi trường mạng tại Việt Nam.

 

3.3. Đối với nhóm đối tượng liên quan như lái xe, nhân viên đóng gói hàng, người cho mượn tài khoản ngân hàng

Quá trình mua bán hàng hóa, TTh nhờ mẹ đẻ đứng ra mở tài khoản tại Ngân hàng Viettinbank để sử dụng giao dịch chuyển, nhận tiền. Sau khi lập xong tài khoản mẹ của TTh chuyển lại số tài khoản này cho TTh và TL quản lý sử dụng, không biết việc TTh và TL sử dụng số tài khoản này để mua bán hàng hoá giả mạo thương hiệu.

Đối với lái xe và nhân viên TL thuê để vận chuyển và đóng gói hàng hoá, hàng tháng được TL trả công theo từng công việc. Những người này không biết việc TL và TTh mua bán hàng hoá ở đâu, có hoá đơn chứng từ hay không và không biết được nguồn gốc, xuất xứ của những hàng hoá này và không ý thức được những hàng hoá TLvà TTh kinh doanh là hàng giả mạo nhãn hiệu, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.

Như đã phân tích ở trên, một trong những dấu hiệu quan trọng của tội Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp là phải có lỗi cố ý, tuy nhiên hồ sơ vụ án thể hiện các đối tượng nêu trên đều không nhận thức được hành vi của mình là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu của bên khác và không thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra. Do vậy không có căn cứ xem xét xử lý trách nhiệm hình sự đối với nhóm đối tượng này theo Điều 226 BLHS.

 

3.4. Đối với số tang vật và tài sản thu giữ

Đối với 54 chủng loại gồm 13.770 sản phẩm giả mạo nhãn hiệu thu giữ trong vụ án, mặc dù hàng hoá còn mới, còn giá trị sử dụng nhưng là hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp nên bị tịch thu tiêu huỷ. 

Đối với 72 chủng loại gồm 9.433 sản phẩm là những loại hàng hóa không có hóa đơn chứng từ mua bán: Quá trình điều tra không đủ căn cứ chứng minh đây là hàng hóa giả các nhãn hiệu được bảo hộ tại Việt Nam và không có chứng cứ là hàng hóa nhập lậu nên không có căn cứ điều tra, xem xét. Tuy nhiên đây là hành vi mua, bán hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, vi phạm Nghị định 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ. Do đó số hàng hóa này bị tịch thu, bán nộp ngân sách nhà nước.

Đối với 17 chủng loại gồm 4.622 sản phẩm còn lại, Cục quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa đã có Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với TL với số tiền 45 triệu đồng và đã tịch thu số hàng hóa này, theo văn bản kiến nghị của Cơ quan điều tra.  

Đối với 01 thiết bị đèn hắt sáng của TTh sử dụng để livestream bán hàng giả mạo nhãn hiệu. Đây là công cụ, phương tiện để thực hiện tội phạm nên bị tịch thu bán nộp ngân sách nhà nước. 

Đối với 01 đầu thu Cammera thu giữ tại nhà TL, sau khi xác minh dữ liệu phục vụ điều tra, được xác định là tài sản cá nhân, không trực tiếp phục vụ cho hành vi phạm tội nên trả lại cho bị cáo.

Như vậy, ngoài việc phải chịu các hình thức xử phạt theo quy định của pháp luật, toàn bộ hàng hóa vi phạm, các công cụ phương tiện thực hiện hành vi vi phạm đều bị tịch thu. Khi đã vi phạm và bị xử phạt, đối tượng vi phạm sẽ phải chịu thiệt hại tài chính đáng kể. Đây cũng là một trong các chế tài quan trọng nhằm ngăn chặn hành vi xâm phạm, đảm bảo tính răn đe và giáo dục của pháp luật.

 

4. Lời kết

Vụ án trên là một minh chứng rõ ràng cho những hậu quả của hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp nói chung và xâm phạm quyền đối với các nhãn hiệu đang được bảo hộ nói riêng. Đây cũng là một cảnh báo cho các cá nhân, doanh nghiệp cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ, đảm bảo sự minh bạch và chính trực trong hoạt động kinh doanh của mình. Ở góc độ của các chủ thể quyền sở hữu công nghiệp, chúng tôi khuyến cáo các doanh nghiệp cần thường xuyên kiểm tra và giám sát các hoạt động kinh doanh để ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

—————-

Lưu ý: tên của các nhân vật trong bài viết đã được thay đổi

Các bài viết liên quan