10 ĐIỂM MỚI VỀ BẢO HỘ NHÃN HIỆU THEO LUẬT SỞ HỮU TRÍ TUỆ SỬA ĐỔI 2022

17/08/2022 - 2031 lượt xem

Ngày 16/6/2022, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ số 07/2022/QH15 (sau đây gọi là Luật SHTT sửa đổi 2022). Với hơn 100 điều được sửa đổi, bổ sung, Luật SHTT sửa đổi 2022 đã điều chỉnh nhiều nội dung, trong đó có nhiều điểm mới về bảo hộ nhãn hiệu. Bài viết dưới đây sẽ phân tích những nội dung về bảo hộ nhãn hiệu được sửa đổi, bổ sung theo Luật SHTT sửa đổi 2022.

 

                           Luật SHTT sửa đổi 2022 có rất nhiều điểm mới về bảo hộ nhãn hiệu

 

1. Nhãn hiệu âm thanh chính thức được bảo hộ

Theo các quy định trước đây của Luật SHTT 2005 sửa đổi năm 2009 và năm 2019 (Sau đây gọi là “Luật SHTT 2005”) mới chỉ bảo hộ nhãn hiệu dưới dạng dấu hiệu nhìn thấy được. Luật SHTT sửa đổi 2022 đã bổ sung dấu hiệu âm thanh (dấu hiệu không nhìn thấy được) cũng là đối tượng mới có thể được bảo hộ nhãn hiệu.

Quy định về việc bảo hộ nhãn hiệu âm thanh được xem là một trong những thay đổi nổi bật nhất của Luật SHTT sửa đổi 2022. Cụ thể, Luật SHTT sửa đổi 2022 đã bổ sung dấu hiệu âm thanh vào trong định nghĩa về Nhãn hiệu như sau: “Nhãn hiệu là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc hoặc dấu hiệu âm thanh thể hiện được dưới dạng đồ họa” (khoản 1 Điều 72)

Theo đó, trong hồ sơ đăng ký nhãn hiệu,nếu nhãn hiệu là âm thanh thì mẫu nhãn hiệu phải là tệp âm thanh và bản thể hiện dưới dạng đồ họa của âm thanh đó” (khoản 2 Điều 105)

Nhãn hiệu âm thanh được tạo ra từ các dấu hiệu là âm hưởng, được nhận biết bằng thính giác thay vì thị giác như nhãn hiệu truyền thống. Tuy nhiên, nhãn hiệu âm thanh vẫn có chức năng tương tự của một nhãn hiệu theo quy định, có khả năng phân biệt và giúp người tiêu dùng phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau.

Việc chấp nhận bảo hộ nhãn hiệu âm thanh để tuân thủ cam kết trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà Việt Nam đã tham gia, đồng thời cũng giúp cho Doanh nghiệp có thêm công cụ bảo hộ cho các tài sản Sở hữu trí tuệ của mình.

 

2. Nhãn hiệu nổi tiếng

Một trong những điểm mới về bảo hộ nhãn hiệu trong Luật SHTT sửa đổi 2022 là điều chỉnh các quy định về nhãn hiệu nổi tiếng. Cụ thể:

Việc sửa đổi định nghĩa về nhãn hiệu nổi tiếng không chỉ phù hợp với pháp luật quốc tế trong EVFTA, CPTPP, TRIPs và Khuyến nghị chung của WIPO năm 1999 mà còn tạo thuận lợi cho các hoạt động thực thi quyền.

So với phạm vi “người tiêu dùng”, “bộ phận công chúng có liên quan” được xác định cụ thể hơn, có thể gồm:

+ Người tiêu dùng có liên quan đến hàng hóa/dịch vụ mang nhãn hiệu;

+ Nhà sản xuất hoặc cung ứng loại hàng hóa/dịch vụ mang nhãn hiệu;

+ Người bán và những người có liên quan đến kênh phân phối loại hàng hóa/dich vụ mang nhãn hiệu…

Bên cạnh đó, việc giới hạn phạm vi các tiêu chí công nhận nhãn hiệu nổi tiếng cũng khắc phục được hạn chế của quy định cũ. Trên thực tế, việc chứng minh một nhãn hiệu nổi tiếng với đủ 8 tiêu chí theo Điều 75 Luật SHTT 2005 khiến gây nhiều khó khăn cho chủ nhãn hiệu. Luật SHTT sửa đổi 2022 đã điều chỉnh để việc xem xét, đánh giá một nhãn hiệu là nổi tiếng được lựa chọn từ một số tiêu chí theo Điều 75 luật SHTT.

 

3. Rút ngắn thời gian xem xét nhãn hiệu đối chứng có trước đã chấm dứt hiệu lực

Trước đây, với lập luận cho rằng 5 năm được xem là khoảng thời gian tối thiểu để người tiêu dùng quên đi sự tồn tại của một nhãn hiệu. Bởi vậy, theo Luật SHTT 2005, một nhãn hiệu đăng ký sẽ bị từ chối bảo hộ nếu trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác đã đăng ký cho hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc tương tự mà đăng ký nhãn hiệu đó đã chấm dứt hiệu lực nhưng chưa quá 5 năm.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, khoảng thời gian 5 năm là quá dài và không còn phù hợp, ảnh hưởng đến quyền lợi và nhu cầu đăng ký nhãn hiệu. Hiểu được bất cập này, Luật SHTT sửa đổi 2022 đã rút ngắn khoảng thời gian này xuống “chưa quá 3 năm” (Điều 74.2.h), để tương thích với bối cảnh kinh tế hiện nay:

– Số lượng nhãn hiệu ngày càng tăng cùng với sự đa dạng của các phương tiện truyền thông, vì vậy, khả năng ghi nhớ của công chúng sẽ thấp hơn so với trước đây, nhất là khi nhãn hiệu đã rút khỏi thị trường.

– Trong khi đó, tài nguyên tên/hình nhãn hiệu ngày càng hạn hẹp bởi số lượng nhãn hiệu đăng ký tăng nhanh. Do đó, loại bỏ bớt những nhãn hiệu đã hết hiệu lực làm đối chứng sẽ tạo thêm cơ hội cho các bên có thể đăng ký và sử dụng nhãn hiệu mình thật sự tâm huyết và ưng ý.

 

4. Bổ sung quy định về Tạm dừng thẩm định đơn đăng ký nhãn hiệu để vượt qua nhãn hiệu đối chứng

Luật SHTT 2005 không có quy định về tạm dừng thẩm định đơn đăng ký nhãn hiệu.

Luật SHTT sửa đổi 2022 đã bổ sung thêm quy định về tạm dừng thẩm định đơn đăng ký nhãn hiệu (Điều 117.3.b) để vượt qua nhãn hiệu đối chứng có trước đang có hiệu lực hoặc nhãn hiệu đối chứng có trước nhưng đã chấm dứt hiệu lực chưa quá 3 năm, cụ thể như sau:

  • Người nộp đơn nộp đề nghị tạm dừng thẩm định đơn;
  • Người nộp đơn nộp đề nghị chấm dứt hiệu lực nhãn hiệu đối chứng do không sử dụng hoặc hủy bỏ hiệu lực nhãn hiệu đối chứng;
  • Căn cứ kết quả giải quyết yêu cầu chấm dứt hiệu lực hoặc hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, Cục SHTT tiếp tục quy trình thẩm định đơn.

Kể từ ngày 01/1/2023 (ngày Luật SHTT sửa đổi 2022 có hiệu lực thi hành), các đơn đăng ký nhãn hiệu mà chưa có quyết định cấp hoặc từ chối cấp văn bằng bảo hộ có thể áp dụng cơ chế dừng thẩm định nêu trên.

 

5. Luật hóa “Dụng ý xấu”

Việc đăng ký nhãn hiệu với mục đích lợi dụng hoặc cạnh tranh không lành mạnh (như đăng ký nhãn hiệu để bán lại cho chủ sở hữu đích thực, đăng ký để lợi dụng danh tiếng hay hạn chế tiếp cận thị trường) không còn là câu chuyện hiếm gặp. Mặc dù có đủ cơ sở để xác định nhãn hiệu được đăng ký với dụng ý xấu như trên, nhưng trước đây các căn cứ để từ chối đơn hoặc hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ chưa được quy định trong pháp luật.

 

 

Luật SHTT sửa đổi 2022 đã lần đầu luật hóa hành vi “dụng ý xấu” (bad faith) thành căn cứ pháp lý để:

– Cho phép bên thứ ba phản đối đơn đăng ký nhãn hiệu;

– Từ chối cấp văn bằng bảo hộ (Điều 117.1.b);

– Hủy bỏ hiệu lực giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu (Điều 96.1.a).

Việc bổ sung quy định về “dụng ý xấu”, làm rõ nội hàm thuật ngữ này (sẽ do Chính phủ chịu trách nhiệm hướng dẫn chi tiết thông qua một Nghị định riêng) được xem là cơ sở rõ ràng hơn để Chủ sở hữu thực sự của nhãn hiệu có thể dựa vào để cung cấp các tài liệu chứng minh, thuận tiện trong quá trình giải quyết phản đối đơn cũng như huỷ bỏ văn bằng.

 

6. Có hai cơ chế để phản đối cấp bằng cho đơn đăng ký nhãn hiệu

Theo Luật SHTT 2005, kể từ ngày đơn đăng ký sở hữu công nghiệp được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp đến trước ngày ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ, bất kỳ người thứ ba nào cũng có quyền có ý kiến với Cục SHTT về việc cấp hoặc không cấp văn bằng bảo hộ đối với đơn đó. Văn bản nêu ý kiến của người thứ ba được coi là một nguồn thông tin tham khảo cho quá trình xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp.

Luật SHTT sửa đổi 2022 lần đầu bổ sung cơ chế mới cho phép bên thứ ba phản đối đơn đăng ký nhãn hiệu bên cạnh văn bản ý kiến của người thứ ba vẫn được giữ nguyên. Cụ thể như sau:

Điều 112a. Phản đối đơn đăng ký sở hữu công nghiệp

1. Trước ngày ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ, trong các thời hạn sau đây, bất kỳ người thứ ba nào cũng có quyền phản đối việc cấp văn bằng bảo hộ:

[…] c) Năm tháng kể từ ngày đơn đăng ký nhãn hiệu được công bố;

Trình tự, thủ tục xử lý ý kiến phản đối theo do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định chi tiết bằng văn bản.

Sửa đổi, bổ sung Luật SHTT 2022 theo hướng phân định phạm vi giữa ý kiến đối với đơn và phản đối đơn, tách bạch quy trình xử lý 2 loại ý kiến này là cần thiết nhằm bảo đảm quyền của những người có liên quan:

+ Cơ chế phản đối mạnh hơn cơ chế về ý kiến của người thứ ba: Trong khi văn bản ý kiến của người thứ ba chỉ đóng vai trò làm nguồn thông tin tham khảo cho quá trình xử lý đơn đăng ký nhãn hiệu, còn đối với cơ chế phản đối đơn đăng ký nhãn hiệu, Cục SHTT phải xử lý ý kiến phản đối này theo một trình tự thủ tục độc lập, gần giống như cơ chế chấm dứt hiệu lực hay hủy bỏ văn bằng bảo hộ.

+ Rút ngắn thời gian cấp văn bằng bảo hộ

+ Bảo đảm chất lượng thẩm định nội dung, tận dụng tối đa được nguồn thông tin từ xã hội.

 

7. Bổ sung dấu hiệu không được bảo hộ với danh nghĩa nhãn hiệu

Luật SHTT 2022 đã sửa đổi khoản 1 và bổ sung thêm khoản 6 và 7 cho Điều 73. Dấu hiệu không được bảo hộ với danh nghĩa nhãn hiệu như sau:

Các dấu hiệu sau đây không được bảo hộ với danh nghĩa nhãn hiệu:

1. Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và của các nước, quốc tế ca

[…]

  1. Dấu hiệu là hình dạng vốn có của hàng hóa hoặc do đặc tính kỹ thuật của hàng hóa bắt buộc phải có;
  2. Dấu hiệu chứa bản sao tác phẩm, trừ trường hợp được phép của chủ sở hữu tác phẩm đó.”.

Quy định trên cũng là một trong những điểm mới về bảo hộ nhãn hiệu đáng chú ý đã được bổ sung trong Luật SHTT sửa đổi 2022.

Việc sửa đổi khoản 1 là để phù hợp với việc bổ sung dấu hiệu âm thanh có thể đăng ký làm nhãn hiệu như đã đề cập ở phần 1 nêu trên, trong đó liệt kê dấu hiệu loại trừ là quốc ca, quốc tế ca.

Việc bổ sung khoản 6 sẽ khắc phục được hạn chế ở Luật SHTT 2005 là không có căn cứ từ chối bảo hộ nhãn hiệu 3 chiều. Theo quy định mới của Luật SHTT sửa đổi 2022, các dấu hiệu là hình dạng vốn có của hàng hóa, hoặc do đặc tính kỹ thuật của hàng hóa bắt buộc phải có bị coi là đối tượng loại trừ bảo hộ nhãn hiệu.

 

8. Bổ sung căn cứ chấm dứt, hủy bỏ hiệu lực nhãn hiệu

Về căn cứ chấm dứt hiệu lực nhãn hiệu, ngoài các căn cứ quy định từ điểm a đến điểm g, khoản 1 Điều 95 Luật SHTT 2005, Luật SHTT sửa đổi 2022 đã bổ sung thêm 2 căn cứ là:

“1. Văn bằng bảo hộ bị chấm dứt hiệu lực trong các trường hợp sau đây:

[…]

h) Việc sử dụng nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ bởi chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc người được chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép làm cho người tiêu dùng hiểu sai lệch về bản chất, chất lượng hoặc nguồn gốc địa lý của hàng hóa hoặc dịch vụ đó;

i) Nhãn hiệu được bảo hộ trở thành tên gọi thông thường của hàng hóa, dịch vụ đăng ký cho chính nhãn hiệu đó;”

Về căn cứ hủy bỏ hiệu lực nhãn hiệu, Luật SHTT sửa đổi 2022 có một số điều chỉnh như sau:

  • Bổ sung thêm căn cứ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có thể bị hủy bỏ toàn bộ hiệu lực trong trường hợp “Người nộp đơn đăng ký nhãn hiệu với dụng ý xấu” (Điều 96.1.a)
  • Bổ sung thêm căn cứ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có thể bị hủy bỏ toàn bộ hoặc một phần hiệu lực trong trường hợp việc sửa đổi nhãn hiệu làm mở rộng hoặc làm thay đổi bản chất của ban đầu của nhãn hiệu nêu trong đơn đăng ký (Điều 96.2.c).

 

9. Bổ sung các quy định về khiếu nại và giải quyết khiếu nại vào Luật SHTT sửa đổi 2022

Trước đây, luật SHTT 2005 không có các quy định về khiếu nại và giải quyết khiếu nại liên quan đến các thủ tục SHCN nói chung và nhãn hiệu nói riêng. Các nội dung này được quy định tại Nghị định 103/2006/NĐ-CP sửa đổi (văn bản dưới luật).

Nay các quy định về khiếu nại đã được quy định tại Điều 119a trong Luật SHTT sửa đổi 2022. Theo đó, có một số nội dung sửa đổi đáng chú ý là:

  • Người nộp đơn và tổ chức, cá nhân có quyền, lợi ích liên quan trực tiếp đến quyết định hoặc thông báo liên quan đến việc xử lý đơn đăng ký xác lập quyền, duy trì, gia hạn, sửa đổi, chấm dứt, hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp, đăng ký hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp do cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ban hành có quyền khiếu nại với cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp hoặc khởi kiện tại Tòa án theo quy định của Luật SHTT và quy định khác của pháp luật có liên quan.
  • Trong trường hợp khiếu nại liên quan đến quyền đăng ký hoặc các nội dung khác cần thẩm định lại, người khiếu nại phải nộp phí thẩm định lại.
  • Thời hạn giải quyết khiếu nại được áp dụng theo quy định của pháp luật về khiếu nại. Trong trường hợp cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp thẩm định lại đối với các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này hoặc người khiếu nại sửa đổi, bổ sung hồ sơ khiếu nại, thời gian thẩm định lại, thời gian sửa đổi, bổ sung hồ sơ khiếu nại không tính vào thời hạn giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật về khiếu nại

Nội dung điều chỉnh trên đã khắc phục sự không phù hợp về thời hạn giải quyết khiếu nại của Luật Khiếu nại trong lĩnh vực Sở hữu công nghiệp. Những công việc về xem xét, thẩm định hồ sơ nhãn hiệu cần nhiều thời gian hơn và không thể thực hiện được trong thời hạn 30 ngày hoặc 45 ngày như quy định trong Luật Khiếu nại.

 

10. Bổ sung quy định về thời điểm có hiệu lực của đăng ký quốc tế Nhãn hiệu theo hệ thống Madrid

Luật SHTT 2005 không có quy định về thời điểm có hiệu lực của đăng ký quốc tế Nhãn hiệu theo hệ thống Madrid.

Luật SHTT sửa đổi 2022 đã bổ sung quy định này vào khoản 8 Điều 93 như sau:

“8. Đăng ký quốc tế nhãn hiệu theo Nghị định thư và Thỏa ước Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu có chỉ định Việt Nam có hiệu lực kể từ ngày cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ra quyết định chấp nhận bảo hộ đối với nhãn hiệu trong đăng ký quốc tế đó hoặc kể từ ngày tiếp theo ngày kết thúc thời hạn mười hai tháng tính từ ngày Văn phòng quốc tế ra thông báo đăng ký quốc tế nhãn hiệu đó chỉ định Việt Nam, tính theo thời điểm nào sớm hơn. Thời hạn hiệu lực của đăng ký quốc tế nhãn hiệu được tính theo quy định của Nghị định thư và Thỏa ước Madrid”.

Luật SHTT sửa đổi 2022 có rất nhiều điểm mới về bảo hộ nhãn hiệu, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2023, riêng các quy định về bảo hộ nhãn hiệu là dấu hiệu âm thanh có hiệu lực thi hành từ ngày 14 tháng 01 năm 2022. Có thể thấy, những thay đổi bổ sung nêu trên góp phần xây dựng cơ chế minh bạch hơn, công bằng hơn trong việc đăng ký và bảo hộ nhãn hiệu.

Các bài viết liên quan