Từ ngày 20 tháng 05 năm 2016, Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT-BKHCN-BKHĐT quy định chi tiết và hướng dẫn xử lý đối với trường hợp tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp do Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp ban hành sẽ chính thức có hiệu lực (Thông tư liên tịch 05).
Những năm gần đây, cùng với hàng trăm ngàn doanh nghiệp được thành lập, tình trạng tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, đặc biệt là đối với nhãn hiệu diễn ra khá phổ biến nhưng còn thiếu các quy định chi tiết để xử lý. Điều này đã tác động không nhỏ tới quyền lợi của chủ sở hữu quyền Sở hữu công nghiệp.
Thông tư 05/2016/TTLT-BKHCN-BKHĐT được ban hành ngày 05 tháng 4 năm 2016 đã quy định về căn cứ xác định, trình tự thủ tục xử lý và các biện pháp khắc phục hậu quả đối với trường hợp tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.
Căn cứ xác định tên doanh nghiệp xâm phạm quyền Sở hữu công nghiệp
Theo thông tư liên tịch 05, văn bản kết luận của cơ quan có thẩm quyền sẽ là căn cứ để xác định tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, bao gồm:
1. Kết luận thanh tra, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền xử lý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (quy định tại Chương III Nghị định 99/2013/NĐ-CP như: Thanh tra Khoa học và Công nghệ, Cơ quan Quản lý thị trường, Hải quan, Công an…);
2. Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của người có thẩm quyền xử phạt, trong đó có áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc thay đổi tên doanh nghiệp, loại bỏ yếu tố vi phạm trong tên doanh nghiệp.
Các biện pháp khắc phục hậu quả
Thông tư 05 đã qui định khá chi tiết và cụ thể về các biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, gồm có:
– Biện pháp buộc thay đổi tên doanh nghiệp, loại bỏ yếu tố vi phạm trong tên doanh nghiệp
– Biện pháp thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
Trong đó, biện pháp buộc thay đổi tên doanh nghiệp, loại bỏ yếu tố vi phạm trong tên doanh nghiệp chỉ được áp dụng khi doanh nghiệp vi phạm không chấm dứt hành vi sử dụng tên doanh nghiệp xâm phạm hoặc không tiến hành thủ tục đăng ký thay đổi tên doanh nghiệp xâm phạm.
Biện pháp thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp được áp dụng đối với doanh nghiệp vi phạm không thực hiện việc thay đổi tên doanh nghiệp hoặc loại bỏ yếu tố vi phạm trong tên doanh nghiệp theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính của người có thẩm quyền và doanh nghiệp vi phạm không gửi báo cáo giải trình theo quy định đến Phòng Đăng ký kinh doanh trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày hết hạn gửi báo cáo hoặc có yêu cầu bằng văn bản.
Trình tự thủ tục xử lý tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp
Thông tư mới ra đời tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các chủ thể quyền, theo đó Chủ thể quyền Sở hữu công nghiệp nếu xét thấy nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý hay các tài sản trí tuệ khác của mình bị xâm phạm có thể nộp đơn yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý.
Khi nhận được đơn yêu cầu xử lý vi phạm liên quan đến tên doanh nghiệp, cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm có thể yêu cầu bên bị yêu cầu xử lý cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ giải trình theo quy định hoặc tiến hành thanh tra, kiểm tra, xác minh, thu thập chứng cứ.
Kết quả của quá trình xử lý vi phạm, cơ quan có thẩm quyền ra một trong các văn bản sau:
– Văn bản kết luận về việc sử dụng tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp;
– Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong đó có áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thay đổi tên doanh nghiệp hoặc buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trong tên doanh nghiệp.
Thông tư mới tạo điều kiện cho các bên tự thỏa thuận, thương lượng trong thời hạn 30 ngày kể từ khi cơ quan có thẩm quyền gửi văn bản kết luận về việc sử dụng tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp cho chủ quyền sở hữu công nghiệp. Nếu các bên đạt được thoả thuận trong thời hạn, có giải pháp phù hợp quy định pháp luật, không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của bên khác thì cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm ra văn bản thông báo ghi nhận sự thỏa thuận đó và dừng giải quyết vụ việc
Trường hợp các bên không đạt được thỏa thuận thì chủ thể quyền sở hữu công nghiệp có quyền gửi văn bản thông báo đến Phòng Đăng ký kinh doanh đề nghị có văn bản yêu cầu doanh nghiệp có tên xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp phải thay đổi tên gọi cho phù hợp.
Những vấn đề còn bỏ ngỏ
Việc Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Thông tư liên tịch 05 đã tạo ra một căn cứ pháp lý rõ ràng và vững chắc hơn phối hợp xử lý đối với trường hợp tên doanh nghiệp xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.
Tuy nhiên, văn bản này chỉ đưa ra biện pháp, trình tự xử lý khi xảy ra xâm phạm mà chưa tính đến việc kiểm soát và hạn chế chúng. Hiện nay, việc đăng ký kinh doanh thực hiện chủ yếu tại Sở kế hoạch và đầu tư các tỉnh (thành phố) trong khi việc đăng ký nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý được thực hiện tại Cục Sở hữu trí tuệ. Hai cơ quan này sử dụng hai hệ thống dữ liệu độc lập dẫn đến việc bỏ sót các trường hợp nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý và tên doanh nghiệp trùng hay tương tự nhau. Việc có lỗ hổng trong khâu xét duyệt của cơ quan nhà nước không những gây phiền phức cho các cá nhân hoặc tổ chức đăng ký nhãn hiệu hoặc đăng ký kinh doanh mà còn gây tốn kém cho các bên khi phải xử lý các vấn đề phát sinh.
Nên chăng, cần có sự chia sẻ thông tin và phối hợp với hai cơ quan này ngay từ đầu, để hạn chế những tranh chấp không đáng có. Ở thời điểm hiện tại, một lời khuyên dành cho các chủ thể có ý định thành lập doanh nghiệp nên chủ động tra cứu, tìm hiểu tên doanh nghiệp của mình có trùng hay tương tự với nhãn hiệu của người khác, hạn chế việc phải thay đổi tên doanh nghiệp cũng nhưng đảm bảo kế hoạch kinh doanh lâu dài và bền vững.
Công ty Luật Sở hữu trí tuệ Trường Xuân – Ageless
Trên 15 năm kinh nghiệm – Tổ chức hàng đầu Việt Nam về bảo hộ Nhãn hiệu, Bản quyền, Sáng chế, Kiểu dáng công nghiệp, xử lý xâm phạm…
Địa chỉ: Tầng 11, Tòa C, Hồ Gươm Plaza, Số 102 Trần Phú, Hà Đông, Hà Nội
Hotline: 0946 636 525
Tel. 024 3557 5599 / Fax. 84-24 3943 4479
Email: nhanhieu@ageless.vn