Những điều cần biết về bảo hộ nhãn hiệu, bảo hộ sáng chế trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)

01/03/2019 - 3193 lượt xem

Từ ngày 14/01/2019, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam. Với những cam kết toàn diện, tiêu chuẩn cao và cân bằng, Hiệp định CPTPP sẽ giúp tăng cường mối liên kết cùng có lợi giữa các nền kinh tế thành viên và thúc đẩy thương mại, đầu tư và tăng trưởng kinh tế trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Nhóm nội dung về Sở hữu trí tuệ của Hiệp định được quy định trong Chương 18, gồm có 73 điểm và 04 phụ lụcsau khi đã tạm hoãn thi hành đối với 10 điểm và 02 phụ lục (E, F) so với Hiệp định TPP. Trong đó có nhiều quy định chặt chẽ đòi hỏi Việt Nam cần sửa đổi hệ thống pháp luật về SHTT, đặc biệt là các quy định về bảo hộ nhãn hiệu, bảo hộ sáng chế để phù hợp với các cam kết trong CPTPP.

Việt Nam cần sửa đổi các quy định về bảo hộ nhãn hiệu, bảo hộ sáng chế để phù hợp với các cam kết trong CPTPP (Nguồn: Internet)

Dưới đây là một số quy định về Sở hữu trí tuệ mà Doanh nghiệp Việt cần lưu ý trong CPTPP:

1. CPTPP yêu cầu mở rộng bảo hộ nhãn hiệu âm thanh và khuyến khích bảo hộ nhãn hiệu mùi (Điều 18.18).

Đây là một nội dung mới so với luật SHTT Việt Nam hiện hành chỉ bảo hộ các dấu hiệu nhìn thấy được. Theo cam kết, Việt Nam sẽ phải điều chỉnh các quy định để bảo hộ nhãn hiệu âm thanh trong thời hạn 3 năm kể từ ngày CPTPP có hiệu lực.

Việc bảo hộ nhãn hiệu âm thanh, mùi hương sẽ giúp Doanh nghiệp yên tâm hơn, thỏa sức sáng tạo với những ý tưởng của mình. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức cho các cơ quan quản lý và thực thi sở hữu trí tuệ cũng như các Doanh nghiệp Việt Nam khi chưa có nhiều kiến thức và kinh nghiệm về loại nhãn hiệu mới này.

2. Tiêu chí bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng (Điều 18.22)

CPTPP yêu cầu các nước không được lấy tiêu chí số lượng các quốc gia đã bảo hộ nhãn hiệu, đã công nhận nhãn hiệu nổi tiếng hoặc đã nằm trong danh mục nhãn hiệu nổi tiếng để quyết định bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng. Luật SHTT Việt Nam hiện vẫn còn tiêu chí này, và sẽ phải điều chỉnh cho phù hợp.

3. Thiết lập hệ thống nhãn hiệu điện tử (Điều 18.24)

CPTPP yêu cầu các nước thành viên phải thiết lập một hệ thống điện tử trực tuyến để nộp đơn, gia hạn hiệu lực nhãn hiệu và một hệ thống thông tin điện tử mở để có thể truy cập công cộng, tra cứu nhãn hiệu trực tuyến. Hiện nay, Việt Nam đã xây dựng được hệ thống điện tử phục vụ cho việc nộp đơn và tra cứu nhãn hiệu. Tuy nhiên, hệ thống này còn chưa được hoàn thiện và vẫn cần được tiếp tục nâng cấp để đáp ứng nhu cầu về tra cứu nhãn hiệu, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ngày càng tăng.  

4. Hợp đồng li-xăng không bắt buộc phải đăng ký (Điều 18.27)

Đối với quy định này, Cục SHTT Việt Nam đã có hướng dẫn áp dụng như sau: “Kể từ ngày Hiệp định CPTPP có hiệu lực, các hợp đồng chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu có giá trị pháp lý đối với bên thứ ba không phụ thuộc vào việc đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ (thay vì quy định tại Khoản 2 Điều 148 Luật Sở hữu trí tuệ).

Việc sử dụng nhãn hiệu theo quy định tại Khoản 5 Điều 124 Luật Sở hữu trí tuệ bởi bên được chuyển quyền theo hợp đồng chuyển quyền sử dụng được coi là hành vi sử dụng nhãn hiệu của chủ sở hữu nhãn hiệu trong các thủ tục xác lập, duy trì và thực thi quyền đối với nhãn hiệu mà không phụ thuộc vào việc đăng ký hợp đồng đó tại Cục Sở hữu trí tuệ.”

5. Giải quyết tranh chấp tên miền cần hợp lý (Điều 18.28)

CPTPP yêu cầu các nước thành viên phải thực hiện các biện pháp nhất định như quy định cơ chế giải quyết tranh chấp (theo nguyên tắc của Tổ chức Quản lý tên miền quốc tế -ICANN hoặc tương tự); phải có biện pháp xử lý các chủ thể đăng ký hoặc nắm giữ tên miền tương tự hoặc gần giống đến mức gây nhầm lẫn với một nhãn hiệu nhằm mục đích thu lợi, cụ thể là phải thay đổi thông tin tên miền hoặc trả lại tên miền nếu xâm phạm nhãn hiệu đang được bảo hộ.

6. Khả năng gây nhầm lẫn giữa chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu (Điều 18.32)

Trong trường hợp một chỉ dẫn địa lý trùng hoặc tương tự với một nhãn hiệu được bảo hộ trước (đã đăng ký trước hoặc đã trở nên nổi tiếng trước) và có khả năng gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đó thì cần xem xét việc bảo hộ cho chỉ dẫn địa lý nộp sau. Cụ thể, CPTPP yêu cầu phải có quy định về việc:

– Không bảo hộ chỉ dẫn địa lý nếu có khả năng gây nhầm lẫn với nhãn hiệu về nguồn gốc của hàng hóa (trừ khi việc sử dụng chỉ dẫn địa lý đó thuộc trường hợp ngoại lệ đối với quyền của nhãn hiệu).

– Chủ sở hữu nhãn hiệu có quyền phản đối việc bảo hộ cho chỉ dẫn địa lý đó hoặc hủy bỏ hiệu lực của một chỉ dẫn địa lý đã được cấp văn bằng bảo hộ; Tuy nhiên, chỉ dẫn địa lý chỉ có ý nghĩa mô tả xuất xứ của hàng hóa thì được xem là ngoại lệ, vẫn được phép sử dụng song song cùng nhãn hiệu đó.

7. Mở rộng thời hạn sáng chế không bị mất tính mới (Điều 18.38)

CPTPP quy định việc xác định sáng chế có tính mới hoặc có trình độ sáng tạo hay không, các bên phải bỏ qua ít nhất là các thông tin đã được bộc lộ công khai nếu việc bộc lộ công khai này: (a) do người nộp đơn sáng chế hoặc người có được thông tin trực tiếp hoặc gián tiếp từ người nộp đơn sáng chế; và (b) xảy ra trong vòng 12 tháng trước ngày nộp đơn trong lãnh thổ của Bên đó. Hiện nay, thời hạn này được quy định trong luật SHTT Việt Nam là 6 tháng và do vậy, Việt Nam phải sửa đổi quy định này cho phù hợp với cam kết trong CPTPP.

Về nội dung này, Cục SHTT đã có văn bản hướng dẫn áp dụng Điều 60.3 Luật SHTT về các trường hợp sáng chế không bị mất tính mới như sau:

– Sáng chế được bộc lộ công khai bởi người có quyền đăng ký sáng chế hoặc người có được thông tin trực tiếp hoặc gián tiếp từ người có quyền đăng ký sáng chế (bất kể là có hay không có sự đồng ý của người có quyền đăng ký sáng chế); và

– Việc bộc lộ công khai trong trường hợp nêu trên xảy ra trong thời hạn không quá 12 tháng trước ngày nộp đơn đăng ký sáng chế tại Cục SHTT (không tính ngày ưu tiên).

Thông tin bộc lộ công khai trong các trường hợp nêu trên không được lấy làm tài liệu đối chứng (không thuộc “tình trạng kỹ thuật”) để xác định tính mới hoặc trình độ sáng tạo của sáng chế liên quan.

8. Yêu cầu bảo hộ kiểu dáng công nghiệp riêng phần (Điều 18.55)

CPTPP yêu cầu các nước Thành viên phải bảo hộ kiểu dáng công nghiệp đầy đủ và hiệu quả, bao gồm cả các kiểu dáng được thể hiện ở một phần của sản phẩm hoặc một phần của một sản phẩm nằm trong tổng thể toàn bộ sản phẩm (kiểu dáng riêng phần), nhưng vẫn đảm bảo tuân thủ quy định của WTO về vấn đề này. Cam kết này cũng đặt ra cho Việt Nam phải sửa đổi, bổ sung quy định về bảo hộ kiểu dáng công nghiệp hiện nay của Luật SHTT.

9. Tăng cường thực thi quyền SHTT

CPTPP yêu cầu các nước Thành viên phải có chế tài mạnh, xử lý hiệu quả, tạo ra sự răn đe đối với hành vi xâm phạm quyền SHTT. Đặc biệt, CPTPP đưa ra các yêu cầu cụ thể về các trường hợp vi phạm SHTT bắt buộc phải xử lý hình sự cùng với các điều kiện kèm theo, chủ yếu tập trung vào các vi phạm đối với nhãn hiệu thương mại, bí mật thương mại, quyền tác giả và quyền liên quan, cụ thể:

– Các tội hình sự không chỉ áp dụng trực tiếp cho chủ thể thực hiện hành vi vi phạm (ví dụ làm hàng giả hàng nhái, công bố tác phẩm khi chưa được phép của tác giả…) mà còn áp dụng cả với các hành vi liên quan/thúc đẩy việc vi phạm (ví dụ hành vi nhập khẩu, xuất khẩu, phân phối, quảng cáo, bán… các sản phẩm vi phạm SHTT).

– Khác với qui định hiện hành, không chỉ các hành vi vi phạm SHTT nghiêm trọng, cố ý, ở quy mô thương mại hoặc nhằm mục đích lợi nhuận mới bị xử lý hình sự, trong một số trường hợp CPTPP đòi hỏi các nước phải xử lý hình sự cả các vi phạm không vì lợi ích thương mại/tài chính nhưng gây thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của chủ sở hữu quyền.

– Quy định xử lý hình sự đối với hành vi xâm phạm bí mật thương mại (ví dụ: cố ý tiếp cận trái phép bí mật thương mại được lưu giữ trong một hệ thống máy tính, chiếm đoạt trái phép bí mật thương mại, bộc lộ bí mật thương mại một cách trái phép) (Điều 18.78)

Đối với một số nghĩa vụ này, Việt Nam phải thực hiện đầy đủ sau 3 năm kể từ ngày CPTPP có hiệu lực.

10. Các Công ước quốc tế về SHTT mà Việt Nam cần gia nhập gồm:

– Hiệp ước Budapest của WIPO về Công nhận quốc tế đối với việc nộp và lưu chủng vi sinh nhằm các mục đích trong thủ tục về sáng chế(1977), sửa đổi ngày 26/9/1980. Việt Nam có thời hạn 2 năm để gia nhập (đến ngày 14/01/2021)

– Hiệp ước WCT của WIPO về quyền tác giả, thông qua tại Geneva ngày 20/12/1996, Việt Nam có thời hạn 3 năm để gia nhập (đến ngày 14/01/2022)

– Hiệp ước WPPT của WIPO về buổi biểu diễn và bản ghi âm, thông qua tại Geneva ngày 20/12/1996, Việt Nam có thời hạn 3 năm để gia nhập (đến ngày 14/01/2022).

Ngoài ra, Việt Nam được khuyến khích nhưng không bắt buộc tham gia Thỏa ước La Hay về đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp quốc tế.

Các cam kết về Sở hữu trí tuệ trong CPTPP đặt ra không ít thách thức cho Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp. Nếu không nhanh chóng chuẩn bị các kiến thức cũng như tiềm lực cần thiết, doanh nghiệp có thể bị thiệt hại hoặc gặp phải các tranh chấp pháp lý không đáng có. Tuy nhiên, với việc mở rộng phạm vi bảo hộ nhãn hiệu, bảo hộ kiểu dáng, bảo hộ sáng chế và nâng cao hiệu quả thực thi quyền Sở hữu trí tuệ, các Doanh nghiệp làm ăn chân chính sẽ có cơ hội phát triển. CPTPP còn là cơ hội để Việt Nam tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và môi trường kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch, tiệm cận các chuẩn mực quốc tế tiên tiến, từ đó thúc đẩy cả đầu tư trong nước lẫn đầu tư nước ngoài.

© Bản quyền thuộc về Công ty Luật SHTT Trường Xuân (Ageless)

 

Công ty Luật Sở hữu trí tuệ Trường Xuân – Ageless

Tổ chức hàng đầu Việt Nam về Sáng chế, Thương hiệu, Bản quyền, Kiểu dáng công nghiệp…

Địa chỉ: Tầng 11, Tòa C, Hồ Gươm Plaza, Số 102 Trần Phú, Hà Đông, Hà Nội

Hotline: 0946 636 525

Tel.  024 3557 5599                     Fax. 024 3943 4479

Email:  nhanhieu@ageless.vn

Các bài viết liên quan