BỊ NGƯỜI KHÁC ĐĂNG KÝ NHÃN HIỆU TRƯỚC PHẢI LÀM GÌ?

23/06/2022 - 2214 lượt xem

“Mất bò mới lo làm chuồng” hay “cầm vàng lại để vàng rơi”, không ít doanh nghiệp rơi vào tình trạng này khi nhãn hiệu mình đang sử dụng lại bị người khác do vô tình hoặc cố ý đăng ký nhãn hiệu trước. Vậy cần làm gì khi doanh nghiệp bạn rơi vào tình huống này?

 

1. Nguyên tắc ai đăng ký nhãn hiệu trước sẽ được bảo hộ trước

Nhãn hiệu đăng ký tại Việt Nam được bảo hộ theo nguyên tắc nộp đơn đầu tiên (first-to-file) quy định tại điều 90 Luật sở hữu trí tuệ. Với nguyên tắc này, pháp luật sẽ bảo hộ cho người nộp đơn đăng ký sớm nhất chứ không phải là người đầu tiên sử dụng nhãn hiệu.

Ngoài ra, nếu các đơn nhãn hiệu cùng đáp ứng điều kiện bảo hộ và có cùng ngày ưu tiên (hoặc ngày nộp đơn) thì chỉ có 01 đơn đăng ký được cấp văn bằng bảo hộ theo thoả thuận của tất cả các chủ đơn. Trường hợp các bên không thoả thuận được thì các đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu đó đều sẽ bị từ chối bảo hộ.

 

2. Rủi ro khi bị người khác đăng ký nhãn hiệu trước

Nhiều cá nhân, tổ chức còn chủ quan, chưa đi đăng ký bảo hộ nhãn hiệu thì phát hiện ra nhãn hiệu mình đã tốn bao công sức, tiền của để xây dựng, quảng bá đã bị người khác đăng ký bảo hộ nhãn hiệu trước. Đây không còn là câu chuyện hiếm gặp, đó có thể là hành vi “chơi” xấu, trục lợi, cũng có thể là do trùng ý tưởng ngẫu nhiên. Dù nguyên nhân là gì thì sự chậm trễ và chủ quan trong việc bảo hộ thương hiệu sẽ mang lại nhiều hệ lụy không thể lường trước:

* Mất quyền sở hữu nhãn hiệu: Nhãn hiệu đóng vai trò quan trọng trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, đặc biệt là những nhãn hiệu đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng và có chỗ đứng nhất định trên thị trường. Chính vì vậy, việc bị người khác đăng ký nhãn hiệu trước không khác gì việc doanh nghiệp bạn bị đánh mất một trong những tài sản giá trị nhất.

* Không có cơ sở pháp lý cần thiết để thực hiện một số hoạt động doanh nghiệp: Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu là giấy tờ cần thiết đối với một số thủ tục như mở cửa hàng chính hãng trên sàn thương mại điện tử, ký hợp đồng thuê quảng cáo, lưu thông hàng hóa… Có thể thấy, việc không đăng ký thương hiệu sẽ giới hạn nhiều quyền lợi và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp.

* Ảnh hưởng đến uy tín trong kinh doanh: Nếu nhãn hiệu chưa được bảo hộ, doanh nghiệp bạn khó có thể kiểm soát và ngăn chặn các sản phẩm cùng loại với nhãn hiệu trùng và tương tự trên thị trường. Điều này không chỉ gây nhầm lẫn cho khách hàng mà còn có thể ảnh hưởng xấu đến uy tín của doanh nghiệp trong trường hợp các sản phẩm này có chất lượng kém.

* Nguy cơ vướng vào các tranh chấp pháp lý: Việc doanh nghiệp bạn đang sử dụng nhãn hiệu đã được một bên khác đăng ký bảo hộ trước bị xem là hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, do đó, bất cứ lúc nào bạn cũng có thể bị xử phạt, buộc chấm dứt việc sử dụng nhãn hiệu hoặc các kiện tụng pháp lý mệt mỏi khác.

 

                       Cần làm gì khi nhãn hiệu bị người khác đăng ký trước?

 

3. Giải pháp khi bị người khác đăng ký nhãn hiệu trước

Khi bị người khác đăng ký nhãn hiệu trước, bạn nên nhanh chóng kiểm tra thông tin về đối thủ và tình trạng hồ sơ nhãn hiệu, sau đó thực hiện các giải pháp phù hợp như: 1) Phản đối cấp văn bằng, đối với nhãn hiệu chưa được cấp văn bằng bảo hộ; 2) Hủy bỏ hiệu lực văn bằng, với nhãn hiệu đã được cấp văn bằng bảo hộ; 3) Đàm phán mua lại nhãn hiệu; 4) Đăng ký nhãn hiệu càng sớm càng tốt

Dưới đây chúng tôi sẽ phân tích rõ hơn về từng giải pháp:

 

3.1. Phản đối cấp văn bằng đối với nhãn hiệu đang được thẩm định

Theo quy định của pháp luật hiện hành, kể từ khi đơn đăng ký nhãn hiệu được công bố trên Công báo Sở hữu công nghiệp, bất cứ bên thứ ba nào cũng có quyền thực hiện thủ tục phản đối – có ý kiến bằng văn bản, phân tích các lý lẽ gửi tới Cục Sở hữu trí tuệ, yêu cầu không cấp văn bằng bảo hộ. Bạn có quyền nộp đơn phản đối cấp bằng cho nhãn hiệu và phải phân tích, chỉ ra được:

– Nhãn hiệu bị người khác đăng ký trước trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của bạn đã sử dụng và phát triển. Đồng thời, bạn cũng phải chứng minh được Nhãn hiệu của bạn đã được sử dụng và thừa nhận rộng rãi hoặc nổi tiếng cho hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc tương tự từ trước ngày bên kia nộp đơn. Các thông tin, tài liệu có thể là:

+ Số lượng người tiêu dùng liên quan đã biết đến nhãn hiệu;

+ Phạm vi lãnh thổ mà hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu đã được lưu hành;

+ Doanh số từ việc bán hàng hoá hoặc cung cấp dịch vụ mang nhãn hiệu hoặc số lượng hàng hoá đã được bán ra, lượng dịch vụ đã được cung cấp;

+ Thời gian sử dụng liên tục nhãn hiệu…

– Nhãn hiệu bị phản đối được nộp bởi người không có tư cách nộp đơn, tức là không có quyền đăng ký hoặc hành vi nộp đơn mang tính chất không trung thực (bad faith), cạnh tranh không lành mạnh.

– Nhãn hiệu bị phản đối không đáp ứng các điều kiện để được bảo hộ nhãn hiệu.

 

         Phản đối cấp bằng nếu nhãn hiệu đăng ký xâm phạm nhãn hiệu của bạn

 

3.2. Hủy bỏ hiệu lực với nhãn hiệu đã được cấp văn bằng bảo hộ

Đối với các nhãn hiệu đã được cấp văn bằng bảo hộ, bạn phải thực hiện hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ của nhãn hiệu đó. Và như nhiều việc tranh chấp khác, đây không phải là thủ tục đơn giản, bạn sẽ phải mất rất nhiều thời gian, công sức.

Đồng thời, căn cứ để yêu cầu hủy bỏ hiệu lực phải xác đáng, thuyết phục, có đầy đủ bằng chứng hợp pháp mới được Cục Sở hữu trí tuệ xem xét.

 

3.3.  Đám phán mua lại nhãn hiệu

Một phương án mang lại lợi ích cho tất cả các bên được áp dụng khá thường xuyên là chuyển nhượng nhãn hiệu. Bạn có thể thoả thuận với chủ sở hữu để chuyển nhượng nhãn hiệu (hoặc chuyển giao quyền nộp đơn trong trường hợp nhãn hiệu chưa được cấp văn bằng bảo hộ). Tuy nhiên trong nhiều trường hợp giá chuyển nhượng mà bên bán đưa ra cũng không hề rẻ. Để có được một giá hợp lý mà bạn có thể chấp nhận được thì các phương thức xử lý, kỹ năng đàm phán, cách định giá nhãn hiệu chuyển nhượng là hết sức quan trọng. Ngoài ra một phân tích về các khía cạnh pháp lý của nhãn hiệu chuyển nhượng, các thông tin về bên bán là hết sức cần thiết trước khi bạn ngồi vào đàm phán.      

Sau khi hai bên thống nhất được thỏa thuận chuyển nhượng, bên chuyển nhượng hoặc bên nhận chuyển nhượng sẽ phải làm thủ tục thông báo với Cục Sở hữu trí tuệ.  

Tìm hiểu thêm về thủ tục này tại bài viết Chuyển nhượng nhãn hiệu cần lưu ý điều gì?

 

3.4. Tiến hành đăng ký nhãn hiệu càng sớm càng tốt.

Mặc dù bạn vẫn còn cơ hội giành lại được nhãn hiệu sau khi bị người khác đăng ký trước, các giải pháp thường rất tốn kém về tiền bạc, thời gian, công sức và khả năng thành công lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Vì vậy, để tránh những rủi ro không đáng có, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu nên được thực hiện sớm, trước thời điểm tiến hành các hoạt động kinh doanh và quảng bá nhãn hiệu rộng rãi. So với các giải pháp nêu trên, đây chính là giải pháp an toàn, hiệu quả và tiết kiệm nhất để bảo hộ nhãn hiệu của bạn.

Để tìm hiểu về các bước đăng ký nhãn hiệu, bạn có tham khảo bài viết 6 bước đơn giản để đăng ký nhãn hiệu mới nhất năm 2022.

 

         Nguyên tắc nộp đơn đầu tiên – Ai đăng ký trước sẽ được bảo hộ nhãn hiệu trước

 

4. Dịch vụ đăng ký nhãn hiệu trọn gói của Ageless

Bảo hộ nhãn hiệu là bước chuẩn bị quan trọng của mỗi doanh nghiệp, thực hiện thủ tục này một cách nhanh chóng, chính xác, hợp lý sẽ tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc xây dựng, phát triển thương hiệu và tối đa hóa lợi nhuận. Do vậy, bạn nên tham khảo và sử dụng dịch vụ Đăng ký nhãn hiệu trọn gói của các Công ty sở hữu trí tuệ uy tín, giàu kinh nghiệm.

Nếu bạn cần hướng dẫn cụ thể về thủ tục, báo giá cho các dịch vụ tra cứu nhãn hiệu và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu  hoặc đàm phán, xử lý các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ xin vui lòng liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ nhanh nhất:

 

CÔNG TY LUẬT SỞ HỮU TRÍ TUỆ TRƯỜNG XUÂN – AGELESS

20 năm kinh nghiệm về Nhãn hiệu, Bản Quyền, Sáng Chế, Kiểu Dáng, mã số mã vạch – TOP 5 Công ty Luật Sở hữu trí tuệ hàng đầu

Tầng 11, Tòa C, Hồ Gươm Plaza, Số 102 Trần Phú, Hà Đông, Hà Nội

Hotline / Zalo: 0946636525

T. 84-24 3557 5599 (Máy lẻ: 103)

E. nhanhieu@ageless.vn

Các bài viết liên quan