Hội thảo tăng cường thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam năm 2015

05/01/2016 - 2476 lượt xem

Ngày 06-07/10/2015, tại Hà Nội, Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam (NOIP) và Cơ quan Sáng chế Nhật Bản (JPO) đã phối hợp tổ chức hội thảo quốc tế về “Tăng cường thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam”.

Hội thảo có sự tham gia của Ông Phan Ngân Sơn – phó Cục trưởng Cục Cở hữu trí tuệ; Bà Sachiyo Yoshino – Phó Trưởng phòng hợp tác quốc tế – Cơ quan Cáng chế Nhật Bản, cùng đại diện các cơ quan xây dựng, thực thi pháp luật về sở hữu trí tuệ của Việt Nam, các chuyên gia Sở hữu trí tuệ Nhật Bản và các luật sư, đại diện của các chủ thể quyền Sở hữu công nghiệp tại Việt Nam.

Phát biểu tại hội thảo, Ông Nguyễn Văn Bảy – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Cục Sở hữu trí tuệ đã chỉ ra một số kết quả đạt được trong công tác thực thi quyền Sở hữu trí tuệ trong năm 2014 như: cơ quan quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý 17.396 vụ hàng giả, kém chất lượng và hàng hóa xâm phạm quyền SHTT cũng như phạt tiền lên tới 57,6 tỷ đồng. Đồng thời trong ngành kiểm sát, đã khởi tố 118 vụ án (170 bị can), truy tố 84 vụ (140 bị can) với các tội danh sản xuất, buôn bán hàng giả…Bên cạnh đó, Ông cũng chỉ ra những hạn chế còn tồn tại trong hệ thống văn bản pháp luật về Sở hữu trí tuệ của Việt Nam cũng như sự thiếu hụt nhân lực chất lượng cao trong hệ thống cơ quan thực thi quyền SHTT.

Theo Ông Takao Ogiya – Giám đốc Trung tâm Sở hữu công nghiệp Châu Á-Thái Bình Dương – Viện thúc đẩy sáng chế và sáng kiến Nhật Bản : Chính phủ Quốc gia phải thực hiện các biện pháp cần thiết như cải tiến hệ thống thẩm định để bảo đảm thực hiện cấp văn bằng bảo hộ nhanh chóng và chính xác để các doanh nghiệp có thể tiến hành các hoạt động kinh doanh một cách thuận lợi nhờ có được các quyền rõ ràng đối với tài sản Sở hữu trí tuệ. Ông cũng nhấn mạnh rằng, khi thực hiện các biện pháp thúc đẩy thực thi quyền thì chính phủ quốc gia phải cố gắng tạo được sự thấu hiểu và hợp tác của giới kinh doanh để bảo đảm thực hiện có hiệu quả.

Đặc biệt, trong bài phát biểu ông Takao Ogiya khẳng định: “Cơ quan tố tụng sẽ đóng vai trò quan trọng hơn trong việc bảo hộ quyền SHTT cùng với việc khai thác tài sản trí tuệ trong nền kinh tế và xã hội. Chính phủ quốc gia phải thực hiện những biện pháp cần thiết để bảo đảm các thủ tục tố tụng nhanh hơn và hiệu quả hơn, cải tiến các hệ thống giải pháp kỹ thuật tại tòa án và tăng cường các hệ thống giải quyết tranh chấp thay thế đối với các vụ án về sở hữu trí tuệ.”

Tại Hội thảo, các đại biểu đã lắng nghe các chuyên gia quốc tế về sở hữu trí tuệ đến từ Nhật Bản chia sẻ kinh nghiệm về xác định và xử lý hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ cũng như chia sẻ về tình hình xâm phạm quyền đối với sáng chế, kiểu dáng, nhãn hiệu tại Nhật Bản.

t1(Ông Masayoshi Yasuhara, Luật sư sáng chế, giám đốc công ty OLINASU ASSOCIATES)

Ông Masayoshi Yasuhara – Luật sư sáng chế, giám đốc công ty OLINASU ASSOCIATES cũng đặt ra vấn đề về mối liên hệ giữa vụ kiện xâm phạm nhãn hiệu và vụ kiện vi phạm luật cạnh tranh không lành mạnh. Theo đó, trong trường hợp dự kiến chỉ có thể nhận được một kết luận không thỏa đáng nếu vụ việc được xử lý thông qua vụ kiện xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu thì đôi khi có thể được yêu cầu giải quyết với danh nghĩa là một vụ vi phạm Luật chống cạnh tranh không lành mạnh để có thể có được cách giải quyết linh hoạt hơn.

Hội thảo tạo điều kiện cho Việt Nam có thể cân nhắc tới khả năng áp dụng các biện pháp và chính sách thực thi quyền sở hữu trí tuệ và xử lý hành vi phản cạnh tranh sao cho hiệu quả, có tính đến các điều kiện đặc thù về kinh tế – xã hội và định hướng phát triển của từng quốc gia. Với những kinh nghiệm có giá trị lớn từ các chuyên gia Nhật Bản sẽ góp phần thúc đẩy công tác thực thi quyền Sở hữu trí tuệ tại Việt Nam.

Công ty Luật Sở hữu trí tuệ Trường Xuân – Ageless

Các bài viết liên quan