Hội thảo Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong các điều ước quốc tế và pháp luật một số quốc gia

06/12/2023 - 1136 lượt xem

Ngày 01/12/2023, Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) đã tổ chức Hội thảo với chủ đề “Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong các điều ước quốc tế và pháp luật một số quốc gia”. Báo cáo viên tại hội thảo gồm Ông Nguyễn Ngọc Chiến – Phòng Pháp chế và Chính sách, Cục SHTT, Ông Mai Văn Dũng – Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo và Hỗ trợ, tư vấn, Cục SHTT và Ông Nguyễn Quốc Thịnh – chuyên gia phát triển thương hiệu, Thành viên Ban chuyên môn Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam. Hội thảo có sự tham dự của nhiều đại biểu đến từ các doanh nghiệp, tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp (SHCN). Cán bộ đại diện của Công ty Luật SHTT Trường Xuân cũng vinh dự được Cục SHTT mời tham dự Hội thảo này.

Hội thảo được tổ chức với mục đích tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn thi hành các nghĩa vụ về sở hữu trí tuệ theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập, qua đó nhận diện các vấn đề mà doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý trong bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nói chung, bảo hộ nhãn hiệu tại nước ngoài nói riêng trong quá trình phát triển kinh doanh quốc tế.

Hội thảo tập trung vào ba nhóm nội dung chính gồm:

  1. Một số lưu ý trong việc thực hiện các cam kết về bảo hộ quyền SHTT trong các Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, gia nhập như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP);
  1. Bảo hộ nhãn hiệu tại nước ngoài và những vấn đề cần lưu ý cho Doanh nghiệp Việt Nam; 
  1. Xây dựng và phát triển thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam ở trong và ngoài nước.

Nhóm nội dung về Bảo hộ nhãn hiệu tại nước ngoài và Xây dựng, phát triển thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo doanh nghiệp tham gia.

 

                                                     Toàn cảnh Hội thảo

 

Tại Hội thảo, Ông Mai Văn Dũng – Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo và Hỗ trợ, Tư vấn, Cục SHTT đã trình bày một số nội dung về Bảo hộ nhãn hiệu ở nước ngoài như: Tầm quan trọng của việc bảo hộ nhãn hiệu tại nước ngoài đối với các doanh nghiệp Việt Nam có kế hoạch xuất khẩu, kinh doanh tại các thị trường nước ngoài; Phân tích đặc điểm của hai cách thức để đăng ký nhãn hiệu ra nước ngoài (bao gồm sử dụng hệ thống đăng ký nhãn hiệu quốc tế Madrid và đăng ký trực tiếp tại từng quốc gia, tập trung vào một số thị trường xuất khẩu trọng điểm của nhiều doanh nghiệp Việt Nam như: Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Liên minh Châu Âu).

 

         Ông Mai Văn Dũng – Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo và Hỗ trợ, Tư vấn, Cục SHTT

 

Kết thúc phần trình bày, ông Dũng nhấn mạnh một số lưu ý đối với Doanh nghiệp Việt Nam cho cả quá trình trước và sau khi đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại nước ngoài:

 

 

Ông Nguyễn Quốc Thịnh – chuyên gia phát triển thương hiệu, Thành viên Ban chuyên môn Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam trình bày nhóm nội dung về Xây dựng và phát triển thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam ở trong và ngoài nước. Trong phần trình bày của mình, Ông Thịnh đặc biệt nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc bảo hộ các tài sản trí tuệ nói chung, bảo hộ nhãn hiệu nói riêng đối với các doanh nghiệp. Việc này cần người chủ doanh nghiệp nhận thức đúng đắn, có kế hoạch xây dựng, bảo hộ, phát triển và quản trị thương hiệu rõ ràng, toàn diện.

 

Ông Nguyễn Quốc Thịnh – chuyên gia phát triển thương hiệu, Thành viên Ban chuyên môn Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam

 

Hội thảo cũng đã cung cấp những thông tin giá trị giúp doanh nghiệp trong nước hiểu rõ hơn về quy trình kinh doanh quốc tế, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ra nước ngoài cũng như cách xây dựng và phát triển thương hiệu.

 

Có thể thấy, nếu muốn phát triển các sản phẩm, dịch vụ ra quốc tế, doanh nghiệp Việt không thể bỏ qua và cần chú trọng, nâng cao hơn nữa việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại nước ngoài. Khi nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của việc bảo hộ nhãn hiệu ra nước ngoài, các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ từng bước tận dụng được những lợi ích mà hệ thống này mang lại. Do đó, nếu đã có kế hoạch kinh doanh rõ ràng tại một thị trường cụ thể, doanh nghiệp cần đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và các tài sản trí tuệ càng sớm càng tốt, tránh những rủi ro pháp lý và thiệt hại kinh tế không đáng có.

Các bài viết liên quan