Bảo hộ thương hiệu là động lực để cạnh tranh

14/05/2018 - 3692 lượt xem

Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu và cạnh tranh ngày càng gay gắt, để bảo vệ được thị phần của mình, Doanh nghiệp không chỉ tập trung phát triển sản phẩm mà còn phải có kế hoạch bảo hộ thương hiệu, chống lại hành vi xâm phạm, bắt chước ngày càng khôn ngoan của các đối thủ.

Dưới đây là một vụ việc điển hình của Công ty Honda Motor (Honda Motor) trong công cuộc ngăn chặn, xử lý xâm phạm và bảo hộ thương hiệu HONDA.

Nhãn hiệu HONDA

Honda Motor có nhiều dòng sản phẩm, mỗi dòng sản phẩm thường sử dụng một logo (nhãn hiệu) khác nhau. Tuy nhiên, trong tất cả các thiết kế, Honda Motor đều sử dụng thống nhất một kiểu chữ cách điệu đơn giản nhưng vẫn độc đáo. Đó là phông chữ có chân, hơi đậm và thấp, dễ nhớ và dễ nhận biết.

Bắt đầu từ năm 1946 đến nay, Công ty Honda Motor đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu HONDA với phông chữ đặc trưng này không chỉ ở Nhật Bản, Việt Nam mà còn tại hàng trăm quốc gia khác.

Với sự nổi tiếng của mình, HONDA luôn bị các đối thủ cạnh tranh xâm phạm dưới nhiều hình thức như sản xuất hàng giả, nộp đơn cạnh tranh không lành mạnh để đăng ký nhãn hiệu giống hoặc tương tự. Honda Motor luôn nỗ lực ở mức cao nhất bảo vệ hình ảnh thương hiệu của mình.

Đánh giá sự tương tự của các nhãn hiệu

Khi xem xét việc cấp bằng cho một nhãn hiệu, cơ quan có thẩm quyền sẽ đánh giá mức độ tương tự với các nhãn hiệu đã đăng ký trước của người khác. Tiêu chí đánh giá mức độ tương tự là: cấu trúc, phát âm, hình thức thể hiện… Bởi vậy, rất nhiều doanh nghiệp đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu HONDA nhưng đều bị từ chối.

HONDAVI có tương tự với nhãn hiệu HONDA?

Hiểu được điều này, năm 2008, một Doanh nghiệp Việt Nam đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu  cho phụ tùng xe máy (xích, đĩa, má phanh, vành xe, nan hoa). Thực tiễn, từ “VI” là thói quen thương mại được nhiều đơn vị ghép vào nhãn hiệu cho các sản phẩm Việt. Giả sử Công ty A đăng ký nhãn hiệu là “HONDAVI” thì khả năng bị từ chối sẽ rất cao vì chứa hoàn toàn nhãn hiệu HONDA đang được bảo hộ của Honda Motor và “VI” là thành phần yếu. Để vượt qua tiêu chí tương tự, Doanh nghiệp này đã bỏ chữ cái “N” trong nhãn hiệu HONDA và thêm hậu tố “VI” vào phía sau; đồng thời, sử dụng một phông chữ khác với phông chữ đặc trưng của HONDA. Sau khi xem xét, Cơ quan thẩm định đã đồng ý cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu HODAVI.

Từ đây, Doanh nghiệp trên tiếp tục nộp đơn đăng ký nhãn hiệu  cho phụ tùng xe gắn máy. Với hồ sơ đăng ký nhãn hiệu mới, họ vẫn sử dụng phần chữ HODAVI đã được cấp bằng nhưng thay đổi phông chữ giống hệt của nhãn hiệu HONDA. Lần này, để tránh bị xem là tương tự với HONDA (do phông chữ giống hoàn toàn), họ kết hợp thêm với phần hình “HV” để tạo thêm sự khác nhau về tổng thể. Nhờ vậy, nhãn hiệu thứ hai của họ cũng được cấp văn bằng bảo hộ.

Trên cơ sở hai văn bằng nhãn hiệu đã được chấp thuận, Công ty A tiếp tục nộp đơn đăng ký nhãn hiệu  với phông chữ giống y hệt nhãn hiệu HONDA, và lần này họ không cần kết hợp với hình. Hơn thế, Công ty A cũng bắt đầu mở rộng về sản phẩm không chỉ cho phụ tùng xe máy mà cho cả phụ tùng xe hơi – vốn cũng là một phân khúc mà Công ty Honda Motor có thị phần lớn. Nhãn hiệu thứ ba của họ tiếp tục được bảo hộ.

Hủy bỏ thành công nhãn hiệu HODAVI

Trong giai đoạn thẩm định đơn đăng ký nhãn hiệu, Honda Motor thực hiện thủ tục phản đối cấp bằng cho các nhãn hiệu HODAVI nhưng đều không được cơ quan thẩm định nhãn hiệu chấp nhận.

Không đồng tình với kết quả giải quyết phản đối, Honda Motor đã ủy quyền cho Công ty Luật Sở hữu trí tuệ Trường Xuân (Ageless) thực hiện thủ tục hủy bỏ hiệu lực nhãn hiệu  . Trong hồ sơ hủy bỏ, Ageless không chỉ lập luận về sự tương tự trong cấu trúc, thành phần từ ngữ, hình thức thể hiện mà còn chỉ rõ dụng ý cạnh tranh không lành mạnh của Công ty A qua toàn bộ quá trình đăng ký các nhãn hiệu HODAVI nêu trên. Việc đồng tồn tại nhãn hiệu HODAVI với nhãn hiệu HONDA sẽ gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc của sản phẩm đều là của Honda Motor – một tập đoàn đa quốc gia sản xuất xe gắn máy lớn nhất thế giới với lịch sử gần một thế kỉ.

Hơn nữa, HONDA đã được ghi nhận là nhãn hiệu nổi tiếng và được sử dụng rộng rãi tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới cho phương tiện giao thông và phụ tùng, do vậy cần được nhìn nhận bảo hộ theo quy chế đặc biệt, xem xét khắt khe hơn khi so sánh dấu hiệu khác với nhãn hiệu này.

Sau khi xem xét toàn bộ tình tiết vụ việc và những chứng lý của Ageless, cơ quan có thẩm quyền đã ra Quyết định hủy bỏ hiệu lực nhãn hiệu HODAVI.

Lời khuyên nào cho các Chủ nhãn hiệu?

Sự phát triển của một thương hiệu luôn đi kèm với nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh, bị làm giả, làm nhái. Vụ việc trên cho thấy các đối thủ ngày càng biết nắm bắt và vận dụng khéo léo các quy định pháp luật để tìm cơ hội cạnh tranh thương hiệu. Để ngăn chặn và giảm thiểu thiệt hại, các Doanh nghiệp không nên bỏ qua những biện pháp sau:

1. Sớm đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ngay khi vừa có ý tưởng;

2. Không chỉ đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm và tại thị trường mà mình hoạt động, doanh nghiệp cần có tầm nhìn dài hạn và đăng ký mở rộng phạm vi bảo hộ nhãn hiệu cho:

i) Những ngành nghề liên quan đến lĩnh vực mình kinh doanh hoặc có kế hoạch kinh doanh trong tương lai;

ii) Những cách thể hiện nhãn hiệu khác (các phiên bản màu sắc, đổi cấu trúc, thêm bớt hoặc đảo từ);

iii) Thị trường mà doanh nghiệp có kế hoạch kinh doanh hoặc thị trường có đối thủ cạnh tranh.

3. Định kì rà soát các hành vi xâm phạm nhãn hiệu để có biện pháp xử lý phù hợp;

4. Nắm bắt được dụng ý và những chiêu trò của bên xâm phạm nhãn hiệu để kịp thời phát hiện, ngăn chặn

Nỗ lực bảo hộ thương hiệu chính là động lực để tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh trong nền kinh tế hội nhập.

© Bản quyền thuộc về Công ty Luật SHTT Trường Xuân (Ageless)

Nếu cần tư vấn về thủ tục phản đối nhãn hiệu, bảo hộ thương hiệu, xử lý xâm phạm nhãn hiệu và các vấn đề Sở hữu trí tuệ khác, vui lòng liên hệ với chúng tôi theo các thông tin dưới đây:

Công ty Luật Sở hữu trí tuệ Trường Xuân – Ageless

Tổ chức hàng đầu Việt Nam về bảo hộ thương hiệu, Bản quyền, Sáng chế Kiểu dáng công nghiệp, xử lý xâm phạm…

Địa chỉ: Tầng 11, Tòa C, Hồ Gươm Plaza, số 102 đường Trần Phú, quận Hà Đông, Hà Nội

Hotline: 0946 636 525

Tel.  024 3557 5599               Fax. 024 3943 4479

Email:  nhanhieu@ageless.vn

Các bài viết liên quan