9 nội dung quan trọng tại Nghị định số 65/2023/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Sở hữu trí tuệ

06/09/2023 - 1280 lượt xem

Ngày 23/8/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định 65/2023/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ (Sau đây gọi tắt là “Nghị định 65” hoặc “Nghị định mới”). Nghị định mới có hiệu lực thi hành ngay từ ngày 23/8/2023.

Nghị định 65 thay thế Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 và Nghị định số 105/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (đã được sửa đổi, bổ sung).

Nghị định mới gồm 5 Phần, 125 điều, dưới đây, Ageless xin chỉ ra 9 nội dung quan trọng tại Nghị định số 65/2023/NĐ-CP cần lưu ý.

 

             Nhiều chuyển biến tích cực trong hệ thống Luật Sở hữu trí tuệ (Nguồn ảnh: Internet)

 

1. Phạm vi điều chỉnh của Nghị định 65/2023/NĐ-CP

Nghị định 65 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về:

– Việc xác lập, chủ thể, nội dung, giới hạn quyền sở hữu công nghiệp (SHCN); chuyển giao quyền, đại diện SHCN và các biện pháp thúc đẩy hoạt động SHCN.

– Việc xác định hành vi, tính chất và mức độ xâm phạm, thiệt hại, yêu cầu và giải quyết yêu cầu xử lý xâm phạm quyền SHCN, quyền đối với giống cây trồng; kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu liên quan đến sở hữu công nghiệp; giám định SHCN…

 

2. Ban hành các mẫu tờ khai và mẫu văn bằng bảo hộ mới

Nghị định 65 đã ban hành các mẫu tờ khai, mẫu văn bằng bảo hộ (VBBH) mới và hướng dẫn khai tờ khai được quy định tại Phụ lục I, II, IV của Nghị định (thay thế các mẫu tờ khai, mẫu VBBH và hướng dẫn tương ứng theo Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN).

Như vậy, kể từ ngày 23/8/2023, để tránh hồ sơ bị thiếu sót, quý vị cần sử dụng mẫu tờ khai mới trong các thủ tục đăng ký xác lập quyền, chuyển nhượng, sử dụng quyền sở hữu công nghiệp, cấp lại, sửa đổi, gia hạn/duy trì, chấm dứt/hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ.

Quý vị có thể tải các mẫu tờ khai và MẪU VBBH mới TẠI ĐÂY

 

3. Văn bằng bảo hộ được cấp dưới hai hình thức điện tử và giấy

Trước ngày 23/8/2023, người nộp đơn đăng ký nhãn hiệu sẽ được Cục Sở hữu trí tuệ cấp VBBH dưới một hình thức duy nhất là bản giấy (nếu nhãn hiệu đáp ứng các điều kiện bảo hộ theo quy định).

Theo nghị định 65, từ ngày 23/8/2023, VBBH sẽ được cấp dưới hai hình thức là điện tử và giấy. Tuy nhiên, bản giấy chỉ được cấp trong trường hợp người nộp đơn yêu cầu trong Tờ khai đăng ký. Như vậy, nếu người nộp đơn không yêu cầu cấp bản giấy thì VBBH sẽ đương nhiên được cấp dưới hình thức điện tử. Nếu người nộp đơn có yêu cầu cấp bản giấy thì sẽ được cấp VBBH ở cả hai hình thức là điện tử và giấy.

Sự thay đổi này phù hợp với xu hướng chuyển đổi số ở nước ta hiện nay, góp phần giảm sử dụng giấy và tinh giản hơn các thủ tục hành chính, đồng thời cho phép người nộp đơn có thêm lựa chọn về hình thức của VBBH.

 

4. Đơn giản hóa thủ tục sửa đổi, bổ sung đơn đăng ký xác lập quyền SHCN:

Nghị định 65 có nhiều thay đổi trong thủ tục sửa đổi, bổ sung đơn đăng ký xác lập quyền SHCN, cụ thể:

– Nghị định mới đã đã bổ sung thêm một số thông tin mà người nộp đơn có thể yêu cầu sửa đổi trước khi Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định từ chối chấp nhận đơn, quyết định cấp/từ chối cấp VBBH là: mã nước của người nộp đơn, địa chỉ tác giả sáng chế, thiết kế bố trí, kiểu dáng công nghiệp; sửa đổi đại diện SHCN.

– Người nộp đơn phải nộp tài liệu chứng minh trong trường hợp người nộp đơn sửa đổi tên, quốc tịch tác giả, tên, địa chỉ tổ chức; người nộp đơn phải nộp một tuyên bố thay đổi đại diện khi tiến hành thủ tục thay đổi đại diện.

– Đáng chú ý, nếu người nộp đơn chủ động sửa đổi đơn trước khi đơn được chấp nhận hợp lệ hoặc bị từ chối chấp nhận hợp lệ hoặc sửa đổi, bổ sung đơn trên cơ sở thông báo của Cục Sở hữu trí tuệ thì chỉ cần nộp văn bản trong đó nêu nội dung yêu cầu sửa đổi, bổ sung thay vì nộp Tờ khai sửa đổi như trước đây.

– Thêm nữa, người nộp đơn không phải nộp kèm bản thuyết minh chi tiết nội dung sửa đổi trong trường hợp sửa đổi mẫu nhãn hiệu, danh mục hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu, bản mô tả tính chất đặc thù của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, bản đồ khu vực địa lý tương ứng với chỉ dẫn địa lý.

Có thể thấy, Nghị định 65 đã hướng dẫn chi tiết về tài liệu và đơn giản hóa thủ tục hành chính để đẩy nhanh quá trình sửa đổi đơn đăng ký SHCN.

 

5. Phải nộp bản thuyết minh khi tách đơn đăng ký SHCN

Theo Nghị định 65, trước khi Cục SHTT ra quyết định từ chối chấp nhận đơn, quyết định cấp hoặc từ chối cấp văn bằng bảo hộ, người nộp đơn có thể tách đơn thành một hoặc nhiều đơn mới (đơn tách). Tuy nhiên, yêu cầu tách đơn chỉ được chấp nhận trong trường hợp:

  • Tách một hoặc một số giải pháp kỹ thuật trong đơn đăng ký sáng chế,
  • Tách một hoặc một số kiểu dáng công nghiệp trong đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp,
  • Tách một hoặc một phần danh mục hàng hóa, dịch vụ trong đơn đăng ký nhãn hiệu. Việc tách một số thành phần của nhãn hiệu không được chấp nhận.

 

Về hồ sơ: Trước đây, khi tách đơn đăng ký sở hữu công nghiệp, người nộp đơn cần có công văn đề nghị tách đơn, thì từ ngày 23/8/2023 (ngày Nghị định 65 có hiệu lực), người nộp đơn phải nộp bản thuyết minh về đối tượng yêu cầu bảo hộ và nội dung thay đổi so với đơn ban đầu.

 

6. Rút đơn đăng ký xác lập quyền SHCN

Trước đây, trường hợp yêu cầu rút đơn không đáp ứng quy định thì Cục SHTT sẽ ra thông báo từ chối chấp nhận rút đơn.

Nghị định 65 đã bổ sung quy định về việc Cục SHTT phải ban hành thông báo dự định từ chối chấp nhận rút đơn trong trường hợp yêu cầu rút đơn không đáp ứng điều kiện và ấn định thời hạn 02 tháng kể từ ngày ra thông báo để người nộp đơn khắc phục thiếu sót. Trường hợp người nộp đơn khắc phục được thiếu sót trong thời hạn này, Cục SHTT mới ra thông báo chấp nhận rút đơn.

Quy định mới đã thiết lập một quy trình đầy đủ để rút đơn đăng ký SHCN, đồng thời góp phần đảm bảo quyền lợi của chủ đơn.

 

7. Làm rõ điều kiện để yêu cầu sửa đổi mẫu nhãn hiệu:

Việc yêu cầu sửa đổi mẫu nhãn hiệu đã có trong các quy định trước đây, cụ thể là: “yêu cầu sửa đổi một số chi tiết nhỏ nhưng không làm thay đổi đáng kể mẫu nhãn hiệu”. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy quy định này còn chưa rõ ràng để đánh giá như thế nào là thay đổi hay không thay đổi đáng kể mẫu nhãn hiệu, dẫn đến nhiều khó khăn cho chủ nhãn hiệu khi thực hiện.

Nghị định 65 đã làm rõ hơn các điều kiện để sửa đổi mẫu nhãn hiệu, theo đó, yêu cầu sửa đổi mẫu nhãn hiệu trên VBBH được chấp nhận nếu đáp ứng điều kiện sau:

  • Chỉ loại bỏ các chi tiết nhỏ, là yếu tố bị loại trừ (không bảo hộ riêng) và
  • Không làm thay đổi khả năng phân biệt của nhãn hiệu.

 

Quy định các điều kiện rõ ràng trên đã giúp chủ nhãn hiệu thuận lợi hơn trong việc xác định các yêu cầu sửa đổi mẫu nhãn hiệu nào là được chấp nhận. Mặc dù chủ sở hữu nhãn hiệu được phép yêu cầu sửa đổi mẫu nhãn hiệu, nhưng sự thay đổi đó phải nằm trong giới hạn quy định. Sự cân bằng này ngăn chặn việc lạm dụng quyền được yêu cầu sửa đổi mẫu nhãn hiệu, trong khi vẫn đáp ứng các nhu cầu sửa đổi chính đáng của chủ nhãn hiệu.

 

8. Bổ sung quy định liên quan đến đơn đăng ký Quốc tế kiểu dáng công nghiệp

Nghị định cũ ban hành trước thời điểm Việt Nam gia nhập Thỏa ước La Hay nên chưa có các quy định liên quan đến đơn đăng ký Quốc tế kiểu dáng công nghiệp.

Trong Nghị định mới, các thủ tục liên quan đến đơn đăng ký Quốc tế kiểu dáng công nghiệp theo Thỏa ước La Hay (Đơn La Hay) đã được quy định như:

  • Cách thức nộp Đơn La Hay có nguồn gốc Việt Nam;
  • Thủ tục xử lý Đơn La Hay có nguồn gốc Việt Nam được nộp thông qua Cục Sở hữu trí tuệ;
  • Thủ tục xử lý Đơn La Hay có chỉ định Việt Nam.

 

Các quy định này đã tạo ra một phương thức rõ ràng cho chủ đơn trong việc bảo hộ kiểu dáng công nghiệp ra nước ngoài hoặc từ nước ngoài vào Việt Nam.

 

9. Bổ sung quy định liên quan đến Đơn Madrid có nguồn gốc Việt Nam đã được cấp số đăng ký quốc tế

Các yêu cầu liên quan đến Đơn đăng ký nhãn hiệu Quốc tế (đơn Madrid) có nguồn gốc Việt Nam đã được cấp số đăng ký quốc tế có thể được thực hiện trực tiếp với Văn phòng quốc tế hoặc thông qua Cục Sở hữu trí tuệ.

Trường hợp lựa chọn nộp qua Cục Sở hữu trí tuệ, người nộp đơn cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ tài liệu theo quy định tại khoản 3 Điều 26 của Nghị định 65.

Nghị định số 65/2023/NĐ-CP đánh dấu một bước chuyển biến quan trọng trong việc hoàn thiện khung pháp lý về sở hữu trí tuệ tại Việt Nam, góp phần đưa các quy định của luật Sở hữu trí tuệ vào cuộc sống. Nghị định mới này cũng giúp thúc đẩy sự phát triển của khoa học và công nghệ, khuyến khích sự sáng tạo và cải tiến của các tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường quốc tế.

TOÀN VĂN NGHỊ ĐỊNH 65/2023/NĐ-CP TẠI ĐÂY

Các bài viết liên quan