Hội thảo “Hệ thống cơ sở dữ liệu về sở hữu công nghiệp và các dịch vụ giá trị gia tăng liên quan tới thông tin sở hữu công nghiệp”.

11/10/2018 - 1729 lượt xem

Tiếp theo buổi hội thảo tổ chức ngày 19/07/2018 nhằm giới thiệu và xin ý kiến về việc xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) thông tin trực tuyến về đối tượng sở hữu công nghiệp. Mới đây, ngày 05/10/2018, tại Hà Nội, Viện Khoa học sở hữu trí tuệ (VIPRI) đã tiếp tục chủ trì tổ chức Hội thảo “Hệ thống CSDL về sở hữu công nghiệp và các dịch vụ giá trị gia tăng liên quan tới thông tin sở hữu công nghiệp”. Buổi hội thảo nhằm giới thiệu và xin ý kiến về các thiết kế đã được xây dựng liên quan đến hai kết quả/sản phẩm chính của Dự án “Thiết lập, duy trì và phát triển CSDL thông tin trực tuyến về đối tượng sở hữu công nghiệp và công cụ khai thác phục vụ doanh nghiệp nhỏ và vừa”. Hai nội dung chính được trình bày là: Báo cáo kết quả bước đầu xây dựng Hệ thống CSDL thông tin sở hữu công nghiệp và công cụ khai thác CSDL thông tin trực tuyến về đối tượng sở hữu công nghiệp và  Các dịch vụ giá trị gia tăng liên quan tới thông tin sở hữu công nghiệp.

Sở hữu công nghiệp

Hội thảo “Hệ thống cơ sở dữ liệu về sở hữu công nghiệp và các dịch vụ giá trị gia tăng liên quan tới thông tin sở hữu công nghiệp”

Mở đầu hội thảo, GS. Hoàng Văn Phong, nguyên Bộ trưởng Bộ KHCN nhấn mạnh rằng việc tạo ra các giá trị gia tăng là vấn đề cốt lõi của Hệ thống CSDL về sở hữu công nghiệp do Viện KHSHTT xây dựng, thông qua Hệ thống giúp người sử dụng có thể dễ dàng tiếp cận, khai thác và nhận được sự tương tác nhanh chóng và thuận tiện. Việc này cũng giúp các doanh nghiệp thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, khai thác và phát triển các tài sản trí tuệ của mình. Góp phần hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động chia sẻ thông tin sở hữu công nghiệp cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong việc tạo dựng và phát triển tài sản trí tuệ, đặc biệt là nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Ngoài ra, hệ thống còn giúp các cơ quan thực thi quyền SHTT có thể tìm kiếm và tiếp cận được các thông tin liên quan đến đối tượng sở hữu công nghiệp một cách nhanh chóng.

Sở hữu công nghiệp

GS. Hoàng Văn Phong phát biểu tại Hội thảo

Tại Hội thảo, TS. Tạ Quang Minh, Viện trưởng Viện KHSHTT đã giới thiệu về xu hướng phổ biến trên thế giới và việc phát triển các dịch vụ thông tin dựa trên CSDL sở hữu công nghiệp, theo đó ngoài thông tin cơ bản do các Cơ quan/Tổ chức SHTT cung cấp, các công cụ khai thác cũng như các  CSDL vẫn phải xây dưng, phát triển  nhằm cung cấp thêm thông tin chuyên sâu, phục vụ nhu cầu quản trị của cá nhân/doanh nghiệp, việc thiết kế các công cụ khai thác CSDL sẽ mang lại các giá trị gia tăng so với thông tin cơ bản do Cơ quan SHTT cung cấp như là: Cung cấp thông tin và tư vấn cần thiết giúp doanh nghiệp đưa ra các quyết định liên quan đến tài sản trí tuệ của mình kịp thời, đúng hạn như thủ tục duy trì, gia hạn, chuyển giao quyền,….Kiểm soát tình trạng toàn bộ khối tài sản trí tuệ (TSTT) cũng như cung cấp thông tin kịp thời, tin cậy về tình trạng pháp lý TSTT của doanh nghiệp trong mối quan hệ với thị trường; thiết lập một gói thông tin hoàn chỉnh, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dùng; dễ dàng tiếp cận và truy xuất thông tin theo nhu cầu; và có khả năng hỗ trợ và chia sẻ lợi ích với các tổ chức khác, trong đó có cả Cơ quan SHTT quốc gia.

Sở hữu công nghiệp

TS. Tạ Quang Minh phát biểu tại hội thảo

Cũng trong hội thảo, đại diện của Công ty MITEC đã giới thiệu và hướng dẫn chi tiết Công cụ khai thác CSDL thông tin trực tuyến về đối tượng sở hữu công nghiệp và các dịch vụ giá trị gia tăng liên quan tới thông tin sở hữu công nghiệp giúp cho các đại biểu tham dự có được cái nhìn tổng quan và chi tiết về các thiết kế, giao diện và tính năng, cũng như nội dung các giá trị gia tăng của hệ thống mang lại.

Hội thảo cũng dành nhiều thời gian cho nội dung thảo luận, lấy ý kiến đóng góp của các đại biểu. Các đại biểu đều cho rằng, việc xây dựng hệ thống là rất cần thiết, hữu ích và mang lại được nhiều giá trị gia tăng. Tuy nhiên để nâng cao được tính hiệu quả, cần phải có nguồn dự liệu sở hữu công nghiệp được cung cấp đầy đủ hơn, không chỉ đơn thuần là các thông tin được công bố như trên Iplib, mà còn thêm các thông tin, dữ liệu khác liên quan đến các đối tượng sở hữu công nghiệp.

Các đại biểu mong muốn được chia sẻ đường link để có thể dùng thử và cần có những hướng dẫn chi tiết để sử dụng và khai thác, cũng như cách thức cập nhật thông tin sở hữu công nghiệp và yêu cầu dịch vụ. Liên quan đến vấn đề này, TS. Tạ Quang Minh khẳng định rằng sau khi hệ thống hoàn thành đầy đủ các chức năng sẽ công bố để người dùng có thể dùng thử và sẽ tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn nhằm giới thiệu đến người dùng và hướng dẫn cho người dùng sử dụng Hệ thống CSDL thông tin trực tuyến về đối tượng sở hữu công nghiệp và công cụ khai thác phục vụ doanh nghiệp.

Các bài viết liên quan